Mặc dù chỉ có bữa cơm tối là cả nhà ăn cùng nhau nhưng vì công việc kinh doanh bận tối ngày nên gia đình anh chị Nguyễn Hồng Thanh (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng ít khi được quây quần sum họp thường kỳ. Thậm chí có những hôm người ở nhà ăn trước, người về muộn ăn sau vì con trẻ còn phải học bài và người già phải nghỉ ngơi sớm.
Bữa cơm đầm ấm là tiền đề cho một gia đình hạnh phúc. Ảnh: phunuonline |
Câu chuyện bữa ăn của gia đình chị Thanh không phải là cá biệt trong cuộc sống hiện đại. Quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp, khiến cho nhiều gia đình sinh hoạt rời rạc, thậm chí thiếu sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình với nhau và bữa cơm là “chiếc gương” soi rõ điều ấy.
Khi cuộc sống hiện đại ngày càng đầy đủ, chất lượng bữa ăn trong mỗi gia đình được nâng cao, thì không khí sum họp, đầm ấm lại có phần giảm đi. Mọi người lúc nào cũng vội vã, bận rộn và ai cũng có thời khóa biểu riêng của người ấy, việc ăn uống bên ngoài, tiệc tùng với bạn bè, đối tác là chuyện thường xuyên khiến cho cơ hội sum họp đầy đủ, ăn uống cùng nhau trong các gia đình ngày càng ít đi. Có gia đình cả tuần không có bữa ăn nào cả nhà có mặt đầy đủ.
Chị Nguyễn Thị Thanh Bình (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Có hôm tôi học được món ăn mới qua các chị ở công ty, quyết định về nhà sớm hào hứng vào bếp, nấu nướng mong muốn thay đổi khẩu vị cho cả nhà, cuối cùng đổi lại là sự mỏi mòn ngồi trông chồng về ăn cơm, đành phải cho các con ăn trước để học bài. Đôi khi, chỉ một vài lần như vậy cũng có thể khiến cho con cái cảm thấy cụt hứng, lần sau chúng không còn đủ lòng tin để mong đợi những bữa ăn sum họp vào những dịp quan trọng nữa, thậm chí ảnh hưởng đến cả lòng tin của chúng với cha mẹ”.
Từ xưa tới nay, bữa cơm gia đình không chỉ là bữa ăn đơn thuần để hưởng thụ mà không khí của bữa ăn còn có giá trị tinh thần rất lớn. Đó là những khoảnh khắc sum họp, là nơi để thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc nhau của mỗi thành viên trong gia đình. Ngồi ăn cơm cùng nhau là dịp duy nhất trong ngày để mọi người quan tâm thể hiện tình cảm với nhau: Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống; cha mẹ có dịp hỏi han việc học hành của con, chia sẻ những ý tưởng, những tâm tư của con cái; vợ chồng thể hiện tình yêu thương, săn sóc nhau. Mỗi đứa trẻ sẽ lớn lên, sẽ được bồi đắp giáo dục nhân cách, học cách quan hệ ứng xử từ những bữa ăn gia đình như vậy... Thậm chí, trong bữa ăn đầm ấm, thời gian và công sức của người nấu bỏ ra sẽ được đền đáp, tình cảm gia đình thêm phần thăng hoa và ý nghĩa của bữa cơm gia đình càng được tăng lên bội phần.
Vì những giá trị mà bữa ăn gia đình mang lại như vậy nên năm nay chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”.
Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái: “Nằm trong các hoạt động của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, Bộ VH,TT&DL cũng vận động các gia đình trong cả nước cùng tổ chức bữa cơm gia đình vào tối thứ bảy, ngày 28/6- đúng Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm gây dựng nên một phong trào văn hóa đẹp để toàn xã hội cùng hưởng ứng và duy trì. Qua đó nêu cao những giá trị của gia đình, đó là tình cảm của ông bà, cha mẹ, con cháu, anh em, tôn kính bậc sinh thành, yêu thương chăm sóc con trẻ. Mong muốn xây dựng bữa cơm gia đình đầm ấm trở thành một nếp sống đẹp không phải là việc ngày một ngày hai, nhưng xét về lâu dài thì nó sẽ có hiệu quả rất tích cực”.
Tạ Nguyên