Xã hội hóa để tạo thêm sân chơi cho trẻ

Trong tổng số hơn 8 triệu dân TP Hồ Chí Minh, có tới 1,7 triệu ở độ tuổi dưới 16 (chiếm gần 1/4). Với số lượng trẻ em lớn như vậy, nên nhu cầu về sân cho trẻ của Thành phố đã ngày càng trở nên bức thiết hơn. Trước thực tế này, Hội đồng nhân dân khóa VII TP Hồ Chí Minh đã có Nghị quyết số 15 về việc ưu tiên bố trí vốn cho các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí cho trẻ em, đồng thời kêu gọi xã hội hóa các khu vui chơi dành cho thiếu nhi của Thành phố.

Những trò chơi dân gian tại các khu vui chơi ngoài trời luôn thu hút các em thiếu nhi tham gia (ảnh chụp tại Khu di tích văn hóa Đền Hùng, quận 9).


Cầu lớn, cung nhỏ

Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh, toàn Thành phố có 5.097 địa điểm có tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em. Thời gian gần đây, thành phố đã tăng cường xây dựng và đưa vào hoạt động thêm 10 khu vui chơi cho trẻ và hiện tại 15 nhà thiếu nhi đã có phòng chiếu phim 3D.

Con số này là không nhỏ, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì còn khá xa. Bên cạnh đó, ngay với những điểm vui chơi đã có, thì vì nhiều lý do, vẫn chưa đảm bảo chất lượng cũng như đáp ứng được nhu cầu hoạt động. Cụ thể, tới 80% số điểm vui chơi có diện tích dưới 100m2. Nhiều điểm vui chơi, đặc biệt là các nhà thiếu nhi của các quận, huyện, chỉ chú trọng dạy năng khiếu, mà coi nhẹ việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho các em. “ Ngay một số nhà thiếu nhi của các quận như: Quận 1,3,4, Phú Nhuận, dù được đầu tư phòng chiếu phim 3D, nhưng chưa hoạt động đồng bộ ở các địa phương… dẫn đến việc không đáp ứng được nhu cầu vui chơi toàn diện của trẻ, nhất là vào những dịp hè”, ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

“Sau cả tuần học hành căng thẳng, cuối tuần tôi rất muốn đưa các con đến các nhà thiếu nhi, nhà văn hóa hay các sân chơi để bé được tham gia các trò chơi dân gian, giải trí... Tuy nhiên, các điểm này thường khá xa nhà nên rất bất tiện cho việc đưa đón. Hơn nữa, khu trò chơi dành cho trẻ ở đây rất đơn điệu và cũ kĩ nên không thu hút được các cháu”, chị Lê Thị Vân, nhà ở quận 9, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Những thiếu thốn và bất tiện này đã khiến sân chơi của thiếu nhi Thành phố vốn đã ít, lại cũng ít hấp dẫn các em. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp đẩy nhiều trẻ em vào con đường “nghiện” các trò chơi trực tuyến, “nghiện” chat qua mạng, bỏ bê việc học hành, từ đó sinh ra trộm cắp, tệ nạn xã hội… “Không gian vui chơi ngoài trời bị hạn chế, việc học tập căng thẳng khiến các em thường tìm đến những trò chơi công nghệ số. Qua khảo sát các điểm vui chơi của thành phố chúng tôi thấy nổi lên vấn đề là dịch vụ internet, trò chơi trực tuyến tại thành phố tăng nhanh và chiếm số lượng lớn nhất trong các loại dịch vụ vui chơi giải trí mà thanh, thiếu niên thành phố tiếp cận”, ông Minh cho biết.

Mở rộng xã hội hóa sân chơi

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, Thành phố xác định việc đầu tư các khu vui chơi cho trẻ em là lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, để việc đầu tư hiệu quả, thì cần thực hiện theo phương thức xã hội hóa. “Lãnh đạo các địa phương, sở ngành thành phố phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để tư nhân tham gia đầu tư xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, các quận, huyện cần quan tâm tới vấn đề xây dựng, bảo đảm chất lượng các khu vui chơi ngoài trời tại địa phương cho trẻ. Chỗ nào chưa tốt cần chấn chỉnh ngay. Có như vậy mới mang lại lợi ích tốt nhất cho các cháu thiếu nhi của thành phố”, bà Tâm cho biết.

Các điểm vui chơi được xã hội hóa luôn có nhiều trò chơi hấp dẫn trẻ em tham gia (ảnh chụp tại khu du lịch Suối Tiên).


Thời gian qua, thực hiện chính sách xã hội hóa này, nhiều khu vui chơi của Thành phố đã được xây dựng mới, phát huy được hiệu quả như Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận Thủ Đức), Thảo cầm viên (Quận 1), khu vui chơi Tuổi thần tiên (Quận 10)… Tại đây, các trò chơi dành cho thiếu nhi rất phong phú, cơ sở vật chất lại khang trang, thiết bị trò chơi được đầu tư hoàn chỉnh và mới mẻ, giúp trẻ thỏa sức vui chơi.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc tham gia hoạt động xã hội hóa đầu tư khu vui chơi cho trẻ, bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư giải trí Thỏ Trắng, cho biết: “Khu vui chơi của chúng tôi có diện tích gần 10.000 m2, trong đó có 75% diện tích tiện ích công cộng với 100 trò chơi miễn phí. Trung bình mỗi ngày chúng tôi thu hút 25.000 lượt khách và đây cũng được xem là khu vui chơi miễn phí vé vào cổng lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh”, bà Mai cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, cũng như duy trì và phát triển thêm nhiều trò chơi cho trẻ, Thành phố cũng phải nghĩ tới việc hỗ trợ cho doanh nghiệp. “Hiện chúng tôi chưa nhận được ưu đãi, hỗ trợ nào từ thành phố. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan ban ngành cần có cơ chế linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho chúng tôi hoạt động”, bà Mai chia sẻ.


Bà Trương Thị Ánh, Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh:


Cần những giải pháp đồng bộ, tập trung


Việc xây dựng, phát triển các cơ sở vui chơi, giải trí cho trẻ em Thành phố đã đi vào cuộc sống, nhận được triển khai tích cực của các ngành, các cấp, sự ủng hộ của doanh nghiệp, đồng tình của người dân. Việc tạo sân chơi cho trẻ không chỉ đơn thuần là để các em vui chơi, giải trí sau những giờ học căng thẳng, mà còn tạo ra một môi trường lành mạnh để các em thực hành giao tiếp xã hội. Vì vậy, bên cạnh các trò chơi truyền thống, cần tăng cường tổ chức các trò chơi đội, nhóm, dã ngoại để tập cho các em làm quen với việc tự phục vụ mình. Các sân chơi cần được trang bị các thiết bị, đồ chơi phù hợp nhu cầu của trẻ em trong từng khu vực cụ thể. Để làm được những điều trên, chúng ta cần có các giải pháp đồng bộ, tập trung để thúc đẩy hình thành thêm nhiều công trình vui chơi giải trí bổ ích cho các em.


Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh:


Phụ huynh cũng cần quan hơn tới khu vui chơi cho trẻ


Sở có nhiệm vụ quản lý ba khu vui chơi tại các công viên Gia Định, Tao Đàn và 23/9. Đây là những sân chơi rất bổ ích cho các em thiếu nhi sau thời gian chịu áp lực học hành. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn chưa hoạt động hết công suất do nhiều phụ huynh còn ít quan tâm đưa trẻ tới các khu vui chơi này. Tôi nghĩ phụ huynh nên phân bổ thời gian để đưa con em đến các khu vui chơi này nhằm tránh lãng phí. Tại các điểm vui chơi này, chúng tôi đều lót nỉ, tấm nhựa an toàn cho trẻ trong trường hợp ngã té. Bên cạnh đó, khi cho con em tới đây, các bậc phụ huynh cũng nên đóng góp ý kiến cho các cơ quan chức năng về chất lượng đồ chơi, độ an toàn…để chúng tôi kịp thời sửa chữa, thay mới, làm sao để ngày càng thu hút nhiều trẻ em đến vui chơi, giải trí hơn.


Thầy Trần Hải Việt, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Hữu thọ, quận 7:


30% diện tích dành cho khu vui chơi tại trường chưa đủ


Ở trường học, áp lực học hành quá nhiều do chúng ta chú ý nhiều đến giáo dưỡng, tức là dạy học các môn văn hóa mà chưa chú trọng tới giáo dục và phát triển. Nếu chúng ta chú ý đến giáo dục và phát triển thể chất, năng khiếu cho trẻ thì các môn học văn hóa sẽ nhẹ bớt, các em sẽ phát triển toàn diện và giải quyết được việc quá tải các khu vui chơi ngoài trời. Hầu hết 18 năm học phổ thông các em đều ở trường nên việc đầu tư cơ sở vật chất để các em vui chơi tại trường là rất quan trọng. Vì vậy, việc Thành phố dành 30% diện tích ở trường cho khu vui chơi, giải trí, theo tôi là chưa đủ để các em phát triển toàn diện.



Chuyên đề do Hoàng Tuyết thực hiện

Thiếu sân chơi cho trẻ em vùng cao
Thiếu sân chơi cho trẻ em vùng cao

Nếu như ở các thành phố, kỳ nghỉ hè của trẻ em sôi động với rất nhiều hoạt động thì ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đây lại là thời điểm các cháu giúp bố mẹ trông em, theo cha mẹ lên nương hoặc tự tạo ra những trò chơi với nhau như: Tắm sông, trèo cây...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN