Anh Phạm Hoàng Linh, xã An Bình Tây cho biết, xác con lợn khoảng hơn 100 kg trôi nổi trên kênh đã nhiều ngày qua, đang trong trạng thái phân hủy, gây ô nhiễm nguồn nước, môi trường tại khu vực.
Anh Linh nhận định, xác lợn trôi từ khu vực đầu nguồn của kênh Tự Chảy (cống Sơn Đốc thuộc huyện Giồng Trôm tiếp giáp sông Hàm Luông) trôi về, vì tại địa phương không có hộ dân nào chăn nuôi lợn. Hiện tại, nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, nhất là khi nước kênh là nguồn nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân nơi đây.
Chị Lê Thị Thắm, đánh bắt cá trên kênh Tự Chảy cho biết: Người dân thiếu ý thức thả nhiều xác lợn xuống kênh làm ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, dòng kênh có nhiều bao đựng xác động vật vứt bừa bãi, trương sình, hôi thối, gây ô nhiễm nguồn nước.
Chị Thắm mong muốn, mọi người cần chung tay bảo vệ môi trường vì đây là dòng kênh chính chảy vào khu vực thị trấn Ba Tri và tiếp nối kênh 9A là nguồn nước đưa vào dự trữ tại hồ chứa nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân tại huyện Ba Tri.
Ông Dương Minh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, trước đó, trên địa bàn chưa ghi nhận thông tin lợn chết thả trôi trên kênh. Sau phản ánh của phóng viên, UBND huyện yêu cầu các ngành chức năng tổ chức rà soát trên địa bàn huyện để xử lý triệt để tình trạng vứt lợn chết bừa bãi gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, tổ chức vớt xác lợn chết trôi trên kênh để tiêu hủy theo quy định.
Theo ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bến Tre, thời gian qua, tình trạng vứt xác lợn chết ra kênh xảy ra rải rác tại các địa phương trong tỉnh Bến Tre. Người chăn nuôi nhỏ lẻ thiếu ý thức trong công tác phòng chống dịch bệnh nên vứt xác lợn bừa bãi ra ngoài môi trường.
Do đó, ngành Thú y tỉnh Bến Tre yêu cầu các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tại các xã, khi phát hiện xác lợn chết phải tổ chức tiêu hủy ngay theo quy định. Ông Thái khuyến cáo người dân, khi thấy xác động vật trôi nổi trên kênh, ngoài môi trường báo ngay cho địa phương để xử lý kịp thời, nhằm tránh lây lan nguồn bệnh sang địa phương khác. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khi có gia súc bị bệnh chết không vứt ra môi trường bên ngoài.
Tính đến ngày 20/9, tại Bến Tre, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 62 xã, phường của 9 huyện, thành phố, với trên 16.130 con lợn, trọng lượng tiêu hủy hơn 800 tấn, chiếm gần 2,4% tổng đàn. Dịch xảy ra chủ yếu tại các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, chủ yếu là nhóm hộ chăn nuôi dưới 50 con, chiếm đến 80% số hộ nuôi có lợn bị bệnh, tiêu hủy.