Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên đã được quan tâm nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập biểu hiện qua tình trạng còn một bộ phận học sinh vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật. Do đó, các nhà trường cần coi việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên là việc làm quan trọng hàng đầu, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này, giúp hình thành một thế hệ trẻ phát triển toàn diện cả “đức, trí, thể, mỹ”.
Chưa giáo dục đầy đủ về đạo đức, lối sống
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng: Học sinh, sinh viên hiện nay năng động, thực tế, tự chủ hơn, bộc lộ rõ cá tính. Quan niệm đạo đức của học sinh, sinh viên hiện nay cũng ít bị ràng buộc bởi dư luận. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một bộ phận học sinh, sinh viên đang thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử, muốn thể hiện vai trò cá nhân, đề cao các giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần. Thậm chí, một số học sinh, sinh viên có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội; xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc; sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc. Đáng báo động, một bộ phận có lối hành xử bạo lực phi nhân tính, dính vào các tệ nạn xã hội… khiến gia đình, nhà trường và xã hội lo lắng.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên đang là mối lo ngại của toàn xã hội. Các vụ việc liên quan đến những hành vi vô đạo đức của giới trẻ đang gia tăng đáng kể với nhiều tình tiết hết sức nghiêm trọng.
Theo thống kê của Bộ Công an (năm 2018), mỗi năm có khoảng 2.000 vụ bạo lực liên quan đến vi phạm đạo đức, sát phạt lẫn nhau, trong đó hơn 53% số vụ xảy ra trong trường học. Nhiều vụ việc để lại hậu quả đau lòng, trong đó nguyên nhân đa phần do các em bị căng thẳng về tinh thần, tâm lý, niềm tin, dẫn đến bị khủng hoảng, không kiềm chế được cảm xúc, rối loạn về hành vi.
Đề cập đến những nguyên nhân dẫn đến các sa sút về đạo đức, lối sống của giới trẻ hiện nay, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú phân tích: Trước hết, chính bản thân học sinh, sinh viên chưa được giáo dục đầy đủ, kém phát triển về phẩm chất đạo đức, nhân cách. Thứ hai là thiếu sự quan tâm của gia đình đối với con cái, thả lỏng, buông trôi việc giáo dục đạo đức cho con, phó mặc cho nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường chưa đủ sức trở thành tấm gương, nguồn sức mạnh giáo dục răn đe con trẻ. Nhiều thầy cô đã tạo nên những áp lực học tập quá mức, không cần thiết, thiếu minh bạch, công tâm, đôi lúc chưa thực sự gương mẫu trước các em. Trong giáo dục chưa coi trọng tình người, còn trù úm học sinh có những biểu hiện đạo đức yếu kém.
Ngoài ra, hành vi đạo đức của một số em chịu tác động xúi bẩy của một số người hoặc nhóm bạn xấu trong lớp mà nhà trường, thầy cô giáo chưa biết cách ngăn chặn kịp thời. Tác động của một số sản phẩm văn hóa thiếu lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân gợi ý các em có những hành vi thiếu chuẩn mực. Về phía xã hội, phải nhìn nhận thẳng thắn là trong nhiều năm qua, chúng ta đã buông lỏng giáo dục đạo đức cho người dân nói chung và cho con trẻ nói riêng.
Thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) chia sẻ: Hiện nay, việc giáo dục đạo đức trong các nhà trường còn nhỏ lẻ, không chú tâm và bị xem nhẹ. Đa phần các trường lo lắng và tập trung nhất vào điểm số. Giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thành tích - thi cử. Do đó, việc giáo dục đạo đức không phải hoạt động thường xuyên mà chỉ làm lấy lệ, hình thức, không xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người.
Từ thực tế đó, thầy Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh: Việc giáo dục đạo đức không phải đưa ra các quy tắc bắt học sinh thực hiện mà cần xuất phát từ giá trị sống và kỹ năng sống. Nếu không coi trọng khoa học tâm lý, chúng ta đã đánh mất đi giá trị cơ bản nhất của giáo dục. Việc giáo dục phải đi đúng tâm lý con người theo cách làm họ tự giác thay đổi bản thân để trở thành con người văn hóa, văn minh.
Phối hợp hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục học sinh
Chia sẻ về giải pháp khắc phục, chấm dứt tình trạng tha hóa về đạo đức, lối sống của giới trẻ hiện nay, Giáo sư Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Phú cho rằng: Giải pháp quan trọng đầu tiên liên quan đến trách nhiệm của gia đình, cần phải ý thức rõ, gia đình là một xã hội thu nhỏ. Gia đình không phát triển được, xã hội cũng sẽ không phát triển được.
Giải pháp thứ hai liên quan đến vai trò và trách nhiệm của nhà trường. Nhà trường phải tăng cường chăm lo giáo dục đạo đức cho các em thông qua các nội dung học tập và sinh hoạt hàng ngày, hướng suy nghĩ, hành động của các em vào các hành vi mẫu mực lành mạnh, tốt đẹp, có đạo đức, có văn hóa. Đồng thời, cần xây dựng tốt và tổ chức hiệu quả cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục học sinh.
Theo thầy Đào Đức Doãn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông cần có sự tham gia của tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, trong đó Giáo dục công dân là môn học cốt lõi vì đây là môn học giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân. Trong hoàn cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, cần quan tâm, xem xét lâu dài và nghiêm túc vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách con người Việt Nam từ trong các nhà trường.
Thực tế, chương trình môn giáo dục công dân hiện hành vẫn chủ yếu coi trọng lý thuyết, coi nhẹ thực hành, chưa chú trọng đến rèn luyện kỹ năng cho học sinh, chưa hướng tới việc hình thành cho học sinh những phẩm chất năng lực cần thiết của người công dân. Nhiều nội dung dạy học chưa gắn với đời sống giới trẻ, chưa gắn với thay đổi của đất nước và thời đại, chưa sát đối tượng, tạo áp lực cho cả dạy và học. Kiến thức lồng ghép trong giáo dục đạo đức quá ôm đồm, thiếu tính hệ thống, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn...
Vì vậy, thầy Đào Đức Doãn nhấn mạnh: Muốn đổi mới giáo dục đạo đức trong dạy học môn giáo dục công dân phải có những giải pháp đồng bộ về nhiều phương diện: chương trình, sách giáo khoa, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý..., trong đó, giáo viên đóng vai trò quyết định.
Tiến sĩ Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Đông Đô, Hà Nội cho rằng: Thời đại ngày nay đã thay đổi, trẻ con không thích nghe giáo huấn mà thích nghe nhạc, chơi game, thể thao, các hoạt động tập thể hợp với tuổi trẻ… Nếu học sinh, sinh viên thích gì, mong muốn gì mà chúng ta không nắm bắt được, giáo dục đạo đức kiểu “giáo huấn” sẽ không thật sự đi vào suy nghĩ của tuổi trẻ được. Do vậy, cần phải đưa môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức cho các trường học để hình thành thói quen, ý thức cho học sinh. Giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ là nhiệm vụ thường xuyên của các trường phổ thông, trong đó giáo dục đạo đức có vị trí quan trọng hàng đầu.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chia sẻ: Chúng ta nói nhiều rồi nhưng làm ít quá. Để việc giáo dục thay đổi, cần phải đi tìm những giải pháp thật cụ thể, phải hiểu lớp trẻ hiện tại, hiểu những yêu cầu cốt lõi trong vấn đề giáo dục, lối sống.
Học sinh, sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước. Do vậy, việc đổi mới nội dung, hình thức giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống, lý tưởng sống cho học sinh, sinh viên là rất quan trọng và cấp thiết. Nó góp phần xây dựng thành công con người mới xã hội chủ nghĩa để phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Bài cuối: Phát triển thể chất đáp ứng yêu cầu mới