Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cùng gần 200 đại biểu là nữ công nhân, lao động vệ sinh...
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay toàn thành phố có khoảng 7.000 công nhân vệ sinh trong các đơn vị công lập, trong đó có 25% là nữ, thực hiện thu gom khoảng 40% lượng rác sinh hoạt toàn thành phố. Những công nhân vệ sinh giúp cho thành phố có môi trường xanh, sạch nhưng trong công việc họ gặp nhiều khó khăn như môi trường độc hại, giờ làm việc kéo dài, lương thấp, chậm trả lương, dễ xảy ra tai nạn lao động, các chính sách, chế độ lương đối với nghề chưa thật sự phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, công nhân vệ sinh Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 6 cho biết: Hiện nay giá thu gom rác trên địa bàn thành phố vẫn thực hiện theo Quyết định 88/2008/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố. Nếu thu đúng theo quy định thì không đủ chi phí vận chuyển, cần có giải pháp điều chỉnh mức giá phù hợp vì đây cũng là tiêu chí tác động đến thu nhập của công nhân, lao động vệ sinh.
Trong khi đó, bà Trần Thị Huỳnh Lộc, công nhân vệ sinh môi trường huyện Bình Chánh chia sẻ: Theo quy định thì giờ làm việc ca đêm của công nhân vệ sinh môi trường là từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường theo Khoản 2, Điều 97 Bộ luật Lao động năm 2012. Tuy nhiên, tại các huyện ngoại thành, vùng ven, lúc 22 giờ trở đi đường vắng người, có nhiều đoạn đường thiếu ánh sáng, nữ công nhân vệ sinh làm việc ca đêm thường rất lo lắng, bất an khi dọn vệ sinh. Cần có cơ chế đặc thù riêng cho các huyện ngoại thành, vùng ven, công nhân có thể làm ca đêm sớm hơn nhưng vẫn được tính phần phụ cấp thêm theo quy định của pháp luật.
Bà Vũ Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 3 cho biết: Từ ngày 1/1/2018, Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu phải thực hiện đấu thầu trong việc cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường nhưng một số đơn vị chưa triển khai được, Ủy ban nhân dân các quận, huyện phải tiếp tục ra văn bản chỉ định thầu đối với công ty dịch vụ công ích; tuy nhiên khi thực hiện các thủ tục liên quan đến kinh phí thì Kho bạc không đồng ý. Có đơn vị trúng thầu nhưng phải đưa ra mức giá thấp, từ đó ảnh hưởng đến lương của công nhân.
Bà Vũ Thị Tường Vy đề xuất: Cần có giải pháp để đảm bảo thu nhập cho công nhân vệ sinh, các cơ quan chức năng cần tính đúng, tính đủ chi phí, không để các doanh nghiệp tham gia đấu thầu chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, việc tổ chức đấu thầu phải công bằng, công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng và có sự giám sát của các cơ quan chức năng nhằm hạn chế hiện tượng tiêu cực.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những đóng góp thầm lặng và hết sức cao quý của hơn 17.000 cán bộ, công nhân vệ sinh môi trường ở đơn vị công lập và ngoài công lập thực hiện nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch cho cuộc sống của 10 triệu dân thành phố.
Đối với các khó khăn, vướng mắc của công nhân, lao động vệ sinh môi trường, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo: Tai nạn lao động trong ngành vệ sinh môi trường có khả năng xảy ra thường xuyên, muốn khắc phục tai nạn thì phải có bảo hiểm tai nạn, đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát việc ký hợp đồng bảo hiểm tai nạn với công nhân vệ sinh môi trường của các công ty dịch vụ công ích. Sở phải phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố xem xét quá trình thực hiện, từ tháng 1/2019 phải công bố việc thực hiện ký hợp đồng bảo hiểm tai nạn đối với công nhân vệ sinh môi trường. Việc đấu thầu cung cấp dịch vụ vệ sinh môi trường phải được thực hiện công khai, minh bạch với các đơn vị công lập và tư nhân, trong quá trình thực hiện cần khắc phục các vướng mắc, bất cập. Ủy ban nhân dân các quận, huyện là đơn vị trực tiếp thực hiện, cần xây dựng các hợp đồng đấu thầu mang tính công bằng.
Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan chức năng cần ban hành đơn giá quét, gom rác đường phố của năm tới phải được thực hiện vào tháng 12 của năm, nếu chưa kịp thì lấy mức của năm trước đó rồi điều chỉnh dần dần, không để tình trạng người lao động, công nhân vệ sinh bị chậm trả lương vì chờ ban hành đơn giá.
Đối với tình trạng nợ lương của công nhân vệ sinh môi trường, đề nghị ngành tài chính, ngành lao động, các công ty dịch vụ công ích, các địa phương phối hợp giải quyết, không để kéo dài sang năm sau. Đối với người lao động lớn tuổi, nhất là công nhân vệ sinh môi trường từ 40 tuổi trở lên, các đơn vị công ích có thể tập huấn để các lao động này chuyển sang việc trồng và chăm sóc cây cảnh, thực hiện dịch vụ cung cấp lao động giúp việc cho các gia đình, thí điểm trước tại các công ty dịch vụ công ích nội thành.