Nền tảng trong hoạt động kinh doanh
Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, chuẩn mực, quan niệm và hành vi chi phối hoạt động của mọi thành viên trong doanh nghiệp, được các thành viên chia sẻ và tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được tạo dựng trong suốt quá trình hình thành và phát triển, dần dần trở thành tình cảm, suy nghĩ, niềm tin, ý thức tự giác của mỗi cá nhân và truyền thống của doanh nghiệp.
Những giá trị cốt lõi, triết lý, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội, văn hóa giao tiếp và ứng xử trong doanh nghiệp sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh, tạo nên uy tín, thương hiệu, từ đó dẫn tới sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Thị Liễu - Viện trưởng Viện Văn hóa Kinh doanh cho biết, kết quả khảo sát khoảng 200 doanh nghiệp cho thấy 90% đã thiết lập được các yếu tố nền tảng của văn hóa doanh nghiệp như là tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Như vậy có nghĩa là nhận thức về tầm quan trọng của giá trị cốt lõi không phải điểm yếu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Giá trị cốt lõi trong văn hóa doanh nghiệp là "linh hồn" của doanh nghiệp, là khuôn khổ định hướng hành vi của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp, quyết định phương thức tư duy, cách hành xử, đặc biệt là quyết định cách ra quyết định của các nhà lãnh đạo, nhất là trong thời điểm doanh nghiệp gặp các khó khăn, bất ổn. Giá trị cốt lõi ở đây không chỉ là thể hiện vai trò của nó trong nội bộ doanh nghiệp, mà còn thể hiện ra các mối quan hệ bên ngoài, là hạt nhân để liên kết khách hàng với đối tác và với xã hội nói chung, đóng vai trò thiết yếu trong định hướng chiến lược của doanh nghiệp.
Ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hằng năm làm Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, nhằm khẳng định văn hóa doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản, cấp thiết để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp…
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng nhấn mạnh nhiệm vụ: "Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân và văn hóa kinh doanh", tiếp tục cho thấy sự quan tâm to lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, hiện nay các xu hướng tiếp biến văn hóa tại Việt Nam theo những mô hình quản trị doanh nghiệp kinh doanh tốt hơn như xây dựng thương hiệu, quan hệ khách hàng và những điều gắn với kinh doanh hiện đại. Ông Dũng cho rằng, văn hóa truyền thống Việt Nam tích hợp với chiến lược kinh doanh hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp ngày càng kinh doanh tốt hơn và vẫn giữ được bản sắc dân tộc.
Theo Tiến sỹ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), mọi chiến lược kinh doanh đều dễ dàng bị đối thủ sao chép, chỉ có văn hóa là thứ gene để doanh nghiệp làm nên sự khác biệt. Đây là nhận định rất chính xác bởi mỗi doanh nghiệp có một văn hóa riêng, phù hợp với lịch sử, truyền thống và lý tưởng của doanh nghiệp. Chính vì vậy, nhà nghiên cứu văn hóa Chu Xuân Giao khẳng định: Văn hóa doanh nghiệp có vai trò, ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.
Văn hóa đi trước, dẫn đường cho hoạt động kinh doanh
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng phân tích, những tác động của văn hóa có thể giúp doanh nghiệp xây dựng quá trình sản xuất, thúc đẩy quản trị kinh doanh, vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Quá trình tiếp cận về tiếp biến văn hóa đúng hướng sẽ tác động với những đối tượng liên quan như bạn hàng, đối tác và người tiêu dùng giúp doanh nghiệp kinh doanh phát triển hơn.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam với giá trị cốt lõi "Khát vọng - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Nghĩa tình" đã tạo nên những kết quả tích cực, từ đó "truyền lửa", khơi gợi lòng tự hào trong những người lao động ngành dầu khí. "Người dầu khí rất tự hào và trân trọng khi đeo biểu tượng Petrovietnam trên ngực mình", ông Lê Mạnh Hùng khẳng định và cho rằng, văn hóa phải đi trước, phải dẫn đường và tạo đà cho tái tạo kinh doanh của Tập đoàn. Văn hóa góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.
Nhiều ý kiến cho rằng, để khẳng định và phát huy giá trị văn hóa trong doanh nghiệp, tổ chức công đoàn cơ sở có vai trò rất quan trọng nhằm phản ánh truyền thống của doanh nghiệp cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động.
Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực Uông Quang Huy cho rằng, có 3 giá trị của văn hóa doanh nghiệp liên quan gần gũi nhất đến hoạt động công đoàn gồm: Xây dựng một môi trường làm việc tốt, tạo động lực cho người lao động; tạo nên những sản phẩm dịch vụ tốt, từ đó tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động; cải thiện phúc lợi của người lao động.
Phó Chủ tịch Công đoàn Điện lực cho rằng, công đoàn cơ sở nên tích cực chủ động tham gia phối hợp với chủ doanh nghiệp để xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở 5 khía cạnh gồm: Nâng cao nhận thức của người lao động về văn hóa doanh nghiệp; tuyên truyền, vận động người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ; xây dựng văn hóa đạo đức và nâng cao chất lượng cuộc sống; xây dựng văn hóa giao tiếp ứng xử của người lao động và cuối cùng là xây dựng cảnh quan môi trường làm việc. Giá trị của văn hóa doanh nghiệp trở thành một phần mục tiêu của hoạt động công đoàn, cũng như thúc đẩy và nâng cao hoạt động của tổ chức Công đoàn trong doanh nghiệp.
Nói về giải pháp cho việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa công nhân, Phó Chủ tịch Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, doanh nghiệp phải được thành lập tổ chức Công đoàn và tạo điều kiện cho Công đoàn hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Bên cạnh các hoạt động nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề, phải tích cực tổ chức các hoạt động xã hội, nhằm đề cao và tôn trọng bản sắc văn hóa riêng của doanh nghiệp; khẳng định người lao động và người sử dụng lao động phải thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau cả trong lao động sản xuất lẫn cuộc sống, bà Nguyễn Thị Minh cho rằng, đối với công nhân các ngành có bản sắc văn hóa lâu đời, phải không ngừng lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp và trở thành một hình mẫu dẫn dắt văn hóa công nhân các ngành nghề khác, nhất là những ngành nghề mới, trở thành "điểm sáng" cho xã hội noi theo.
Phó Chủ tịch Công đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh, truyền thống lịch sử vẻ vang của công nhân mỏ được công nhận là một trong những "cái nôi" của giai cấp công nhân và cách mạng Việt Nam, có lịch sử bề dày trong đấu tranh cách mạng và kiến thiết đất nước, thực sự là đội tiên phong của đội ngũ công nhân truyền thống cách mạng của Đảng, đã góp phần tích cực minh chứng cho Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 cùng các nghị quyết khác của Đảng về văn hóa thêm sinh động và có ý nghĩa sâu sắc trong thực tế.
Theo bà Nguyễn Thị Minh, để xây dựng và phát huy giá trị văn hóa của doanh nghiệp, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, cống hiến của công nhân, các doanh nghiệp, tập đoàn cần đầu tư xây dựng và phát huy tối đa hiệu quả các di tích lịch sử cách mạng, công trình, các thiết chế văn hóa, thể thao, nhằm đáp ứng đời sống tinh thần, phát triển thể chất cho công nhân.
Đồng thời, Tập đoàn tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng hệ thống quản trị trong lĩnh vực truyền thông và văn hóa doanh nghiệp, hoàn thiện và triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu doanh nghiệp một cách nhất quán; tăng cường sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, tổ chức các buổi đối thoại, trao đổi nghiệp vụ chuyên đề để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp, xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…