Từ thực trạng nơi thừa, nơi thiếu nhà vệ sinh công cộng và câu chuyện Hà Nội định đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng 14 nhà vệ sinh bằng thép đang đặt ra việc cần phải quy hoạch lại hệ thống nhà vệ sinh công cộng sao cho đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.
Nơi nhặt, nơi khoan
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức, nhiều khu vực tại Hà Nội đang trong tình trạng thiếu trầm trọng nhà vệ sinh công cộng (VSCC). Tại những khu vực đông dân cư, khu chợ… rất ít, thậm chí nhiều nơi không có nhà VSCC.
Nhà vệ sinh công cộng xây bằng thép bên Hồ Gươm, mặt trước của nhà vệ sinh bị tận dụng thành một cửa hàng tạp hóa. |
Chị Việt Anh (Nghĩa Đô, Cầu Giấy) cho biết, khu vực Nghĩa Đô rất đông dân cư, có chợ và nhiều công sở nhưng “tìm đỏ mắt” mới thấy được nhà VSCC. Thực trạng đó cũng diễn ra tương tự tại các quận như Ba Đình, Thanh Xuân…
Tại khu chợ Đồng Xuân, nhu cầu sử dụng nhà VSCC rất cao bởi tại đây tập trung đông lượng khách vãng lai và những người buôn bán. Theo thống kê, bình quân lượng người ra vào nhà VSCC tại chợ Đồng Xuân ít nhất 500 lượt/ngày.
Trước những ý kiến băn khoăn về nhà VSCC tiền tỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện rà soát hệ thống nhà VSCC đã xây dựng để khai thác sử dụng hiệu quả, đồng thời lập kế hoạch tổng thể đầu tư xây dựng các công trình nhà VSCC trên địa bàn, nhất là trong các quận nội đô, trình UBND thành phố phê duyệt. |
Nhưng ngược lại, nhiều nơi có nhà VSCC bằng thép, hiện đại thì hoạt động chưa hiệu quả, thậm chí bị chiếm dụng. Điển hình như nhà VSCC xây bằng thép 4 buồng trên phố Đinh Tiên Hoàng, mặt trước của nhà vệ sinh bị tận dụng thành một cửa hàng tạp hóa, khiến nhiều người e dè khi bước chân đến. Mặt sau là 4 buồng vệ sinh với tấm biển “2.000 đồng/lượt”, có nhân viên thường xuyên trông coi. Tuy nhiên, khi được hỏi, nhân viên vệ sinh này cho biết không thể đếm được số khách nhưng ngày mưa gió thì sẽ ít, chỉ khoảng vài chục khách. Hay như nhà VSCC bằng thép tại đầu đường phố Yết Kiêu cũng khá ít khách. Mặt trước của nhà VSCC được tận dụng đặt tấm biển quảng cáo rao vặt, một người dân đã tận dụng làm chỗ ngồi bán trà đá. Theo nhân viên vệ sinh ở đây, mỗi ngày tại nhà VSCC này chỉ có vài chục khách đến.
Còn nhà VSCC tại đường Trích Sài (bờ Hồ Tây), hầu như lúc nào cũng thấy đóng cửa im ỉm. Một số quán cà phê tận dụng kê ghế gần sát đó nhưng rồi mùi bốc lên không chịu được lại phải dịch chuyển đi. Còn tại điểm nhà VSCC hồ Ngọc Khánh, nhân viên ở đây cho biết, có rất ít khách vào nhưng vẫn phải duy trì mở cửa hàng ngày. Tình trạng trên còn diễn ra ở nhiều nhà VSCC trên địa bàn TP Hà Nội.
Quy hoạch hợp với nhu cầu
Xung quanh vấn đề nhà VSCC, ông Hà Văn Lũng, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường Đội Cấn, quận Ba Đình, cho biết: “Việc bố trí nhà VSCC tại những nơi đông khách là việc làm cần thiết. Vấn đề là vận hành ra làm sao. Đơn cử như trên địa bàn phường có điểm du lịch khu Lăng Bác - chùa Một Cột, lượng khách rất đông nhưng không có biển chỉ dẫn, nhà VSCC lại nằm khuất và chỉ mở muộn nên nhiều người có nhu cầu thường “vệ sinh” luôn vào gốc cây, người lịch sự hơn thì xin vào nhà dân ven đường “đi nhờ” khiến cử tri ở đây bức xúc, kiến nghị với cả đoàn đại biểu Quốc hội. Sau đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh phải cải tiến lại khu nhà VSCC với biển chỉ rõ ràng nên khoảng một năm trở lại đây những gốc cây, vệ tường tuyến phố Ngọc Hà không còn “bốc mùi” như trước”.
Anh Nguyễn Hùng, một hướng dẫn viên du lịch kể, nhiều quán ăn vỉa hè trong phố cổ Hà Nội không có nhà vệ sinh nên khách tìm góc khuất để “giải quyết” khiến nhiều khu dân cư phải viết biển “Cấm đái bậy”. Khi khách du lịch nhìn vào cũng thấy trình độ nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường cảnh quan của người khu phố đó. Bởi vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch coi việc xây dựng nhà vệ sinh tại các điểm đông khách du lịch là một chương trình trọng điểm hành động trong năm nay.
Thực tế cho thấy, nhu cầu xây dựng nhà VSCC là rất cần thiết nhưng vấn đề là cần có phương án xây dựng và quản lý vận hành sao cho hiệu quả. “Cần phải xem xét việc quy hoạch và vận hành nhà vệ sinh trên địa bàn Thủ đô. Nếu cần thiết thì cho tiến hành xã hội hóa đầu tư và quản lý”, ông Hà Văn Lũng nhận định.
Ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Theo quy hoạch, đến năm 2020, Hà Nội sẽ có 350 nhà VSCC. Hiện Hà Nội có 279 nhà VSCC, trong đó Ban duy tu công trình hạ tầng thuộc sở quản lý 236 nhà VSCC, trong đó có 72 nhà VSCC bằng thép, 164 là nhà xây. Một số nhà VSCC đang bị chiếm dụng, nhếch nhác. Qua khảo sát cho thấy 90% nhà VSCC hoạt động hiệu quả, chỉ 10% là mất vệ sinh. Hiện những nhà vệ sinh bằng thép thì việc thu tiền đủ để duy trì hoạt động, còn nhà vệ sinh tại các khu dân cư thì thành phố phải bao cấp nên rơi vào tình trạng mất vệ sinh.
Theo đại diện Ban quản lý Chỉnh trang đô thị Hà Nội, trước đó Hà Nội đã đầu tư một số nhà VSCC, loại 2 buồng giá đầu tư khoảng 700 triệu đồng/nhà VSCC, loại 4 buồng khoảng trên 900 triệu đồng/nhà VSCC. Đối với kinh phí dự án 14 nhà VSCC hiện mới là khái toán, về chi tiết giá và các hạng mục đầu tư sẽ được đơn vị xây dựng chi tiết, trình các sở, ngành của TP thẩm định và UBND TP phê duyệt. Sau đó việc đấu thầu cũng sẽ được tổ chức công khai để lựa chọn những thiết bị hợp lý nhất.
Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội: Phải tính toán tiết kiệm Việc đầu tư xây dựng nhà VSCC rất cần nhưng phải giám sát từ khái toán, dự toán, thực chi để đảm bảo chất lượng nhà vệ sinh khi xây dựng; chứ không phải tình trạng dự toán bao nhiêu chi bấy nhiêu. Tôi đã trao đổi với lãnh đạo thành phố Hà Nội về vấn đề này và thấy rằng lãnh đạo thành ủy, UBND đã chỉ đạo việc xây dựng nhà VSCC cần thiết vẫn phải làm nhưng cần chỉ đạo chi tiết kiệm. Một vấn đề nữa là khâu quản lý vận hành của chúng ta còn nhiều bất cập. Do đó, tôi cho rằng cần phải có quy trình quản lý vận hành nhà VSCC sao cho hiệu quả, cần thiết thì cho xã hội hóa. Ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng truyền thông, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội: Thiếu nhà VSCC ở các khu vui chơi công cộng Hiện công ty được giao quản lý 310 nhà VSCC trên địa bàn 4 quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Các nhà VSCC hầu hết nằm trong các khu dân cư, số lượng nhà VSCC ở mặt phố và các khu vui chơi công cộng rất ít. Hàng năm, Hà Nội đón hàng chục triệu lượt khách du lịch đến tham quan. Tuy nhiên hiện nay, các khu vui chơi, sinh hoạt công cộng, những tuyến phố chính đang rất thiếu nhà VSCC, gây bất tiện cho nhân dân cũng như du khách khi có nhu cầu. Thậm chí vô hình chung tạo ra những thói quen rất xấu là đi vệ sinh bừa bãi, vô tội vạ của một bộ phận người dân. Ông Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công ty du lịch Tầm nhìn: Chưa đáp ứng đủ Hiện nay, các nhà VSCC trên địa bàn Hà Nội, nhất là những nơi có nhiều khách du lịch đến thăm còn ít, chưa đáp ứng đủ để phục vụ du khách vào những ngày cao điểm. Vì vậy, việc xây dựng thêm các nhà VSCC là cần thiết. Trong lịch trình tour, chúng tôi phải tính toán chương trình đi tham quan cho khách du lịch sao cho thuận tiện nhất, kể cả việc tính thời gian cho việc khách đi vệ sinh. Về thiết kế, giá thành của một nhà vệ sinh trị giá 1 tỷ đồng làm như thế nào lại hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà xây dựng. Nó sẽ rất đắt nếu như không có hiệu quả thiết thực cho khách và rất rẻ nếu đáp ứng nhu cầu của hạ tầng tại điểm du lịch đó. Tại một số quốc gia có nền du lịch phát triển mạnh, các nhà VSCC khá dễ tìm, có chỉ dẫn rõ ràng, sạch, hiện đại đáp ứng cho du khách kể cả người khách đó không biết tiếng Anh hay tiếng địa phương. Đặc biệt, là sự tự động hóa khá tốt trong thiết kế. Một số nhà VSCC hiện nay tại Hà Nội áp dụng thu phí ngay tại cửa tạo ra những ấn tượng chưa đẹp trong mắt du khách. |
Xuân Minh - Thu Trang