Chiến tranh đã qua 40 năm, nhưng hậu quả vẫn còn âm ỉ với hơn ba triệu nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân chất độc da cam cần sự giúp đỡ. Chung tay cả cộng đồngTheo Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Việt Nam (VAVA), cả nước có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam, nhiều nạn nhân là trẻ em thế hệ thứ hai, thứ ba. “Nhân dịp kỷ niệm 54 năm thảm họa da cam ở Việt Nam và ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10/8), Trung ương VAVA đã phát động phong trào vận động trong cả nước để giúp đỡ cho các nạn nhân. Trung ương Hội đã vận động được trên 2 tỷ đồng để giúp đỡ trên 100 gia đình có vốn sản xuất và hàng trăm nghìn xuất quà giúp đỡ cho các nạn nhân”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA cho biết.
Nạn nhân chất độc da cam. |
VAVA tại các tỉnh, thành dịp này tổ chức nhiều đoàn trực tiếp tặng quà cho nạn nhân da cam. VAVA tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức gặp mặt và trao tặng 400 phần quà cho nạn nhân nhiễm chất độc da cam trên địa bàn, mỗi phần quà trị giá từ 300.000 - 1 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí tặng quà đợt này được trích từ ngân sách của tỉnh và các tổ chức, cá nhân hảo tâm. Ông Nguyễn Cương, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin Thừa Thiên - Huế cho biết: “Tỉnh có hơn 15.000 người bị phơi nhiễm, trong đó có hơn 2.000 người đã chết. Hội đã huy động được trên 3 tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà, trợ cấp khó khăn, dạy nghề, vay vốn không tính lãi, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng hàng ngàn suất quà cho các gia đình có người bị nhiễm chất độc da cam. Hội còn tranh thủ nhiều dự án để cải thiện môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân như: Dự án trồng cây bồ kết chung quanh sân bay A So để ngăn chặn người và gia súc vào vùng nhiễm độc; Dự án chăm sóc sức khỏe cải thiện môi trường sống tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền; Dự án nước sạch ở xã Đông Sơn do nhóm đối thoại Việt - Mỹ tài trợ; Dự án chăn nuôi của các tổ chức ở Pháp, Mỹ, Australia... để giúp đỡ và tạo sinh kế cho hàng ngàn người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam.
Còn Hội Nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Lạng Sơn vừa phát động Tháng hành động Vì nạn nhân chất độc da cam và huy động được hơn 146 triệu đồng và hàng trăm phần quà. Ông Hà Văn Thanh, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tỉnh có 744 người được hưởng chế độ của nạn nhân chất độc da cam. Hội đã vận động được trên 2 tỷ đồng giúp đỡ nạn nhân, hỗ trợ xây dựng mới 11 nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà cho 8 gia đình nạn nhân với trên 600 triệu đồng, hỗ trợ 43 nạn nhân chất độc da cam đi điều trị, điều dưỡng tại các bệnh viện chuyên khoa. Tuy nhiên, tỉnh Lạng Sơn hiện vẫn còn hàng ngàn nạn nhân chất độc da cam chưa được hưởng chế độ…
Hoàn thiện chính sáchTheo VAVA, đợt tổng rà soát người có công 2014-2015 cho thấy một số bất cập đối với nạn nhân da cam. Vướng nhất hiện nay là xác định người có phải nạn nhân da cam hay không? Tiêu chí cơ bản để xác định là người đó có mặt tại khu vực được cho là ô nhiễm trước 30/4/1975. Tuy nhiên, nhiều người đã mất giấy tờ, trong khi việc giải mã của Bộ Quốc phòng cũng rất chậm. Còn xét trên tiêu chí bệnh tật, Bộ Y tế có danh mục 17 bệnh, nhưng theo phản ánh từ cơ sở, Hội đồng giám định y khoa một số tỉnh còn không xác định chính xác triệu chứng của bệnh nên thường trả lại hồ sơ. Đó là chưa kể một số bệnh do chất độc da cam gây ra nhưng nằm ngoài danh mục như các bệnh về hệ thống tiêu hóa, vòm họng…Vì vậy, sau đợt tổng rà soát, VAVA đã đề xuất những chính sách hỗ trợ phù hợp hơn với đặc thù của nạn nhân da cam. |
Từ năm 2000, Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết: “Hiện chúng ta có gần 300.000 người trực tiếp tham gia kháng chiến và con đẻ của họ được trợ cấp hàng tháng, với mức trợc cấp cao nhất là hơn 2 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 800.000 đồng/tháng. Còn những người nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ 2, thứ 3 và người dân, chúng ta đang thực hiện chính sách xã hội hóa và trợ cấp cho nạn nhân bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh, miễn học phí cho con em nạn nhân chất độc da cam. Toàn quốc hiện có khoảng 30% số nạn nhân nhiễm chất độc da cam được mua thẻ bảo hiểm y tế. Khoảng 25% trẻ em bị nhiễm chất độc da cam được chăm sóc phục hồi chức năng. Từ năm 2000 đến nay, một loạt các chính sách về hỗ trợ học phí, học nghề, tìm kiếm việc làm, vay vốn sản xuất, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cũng được ban hành”.
“Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa để toàn dân cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Hơn 10 năm qua, VAVA đã vận động trên 1.000 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa, xây mới hơn 1.000 nhà cho các nạn nhân và 1.000 suất học bổng; đồng thời trợ giúp vốn sản xuất cho hàng trăm nghìn nạn nhân. VAVA đã xây dựng được gần 30 cơ sở bán trú để nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam. Hàng ngày, các nạn nhân đến đây được chăm sóc về sức khỏe, phục hồi chức năng. Hiện Chính phủ cho phép VAVA xây dựng 3 trung tâm ở 3 miền, Hà Nội Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để nuôi dưỡng nạn nhân”, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết.