Xử lý nghiêm việc lấn chiếm không gian chung cư

Việc lấn chiếm không gian chung tại các khu chung cư để bán hàng, trông giữ xe ô tô, họp chợ... không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây bức xúc trong cư dân trong thời gian dài vừa qua. Các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã quyết định vào cuộc, xử lý nghiêm tình trạng này.


Mất mỹ quan đô thị

Hà Nội hiện có 643 nhà chung cư đã đưa vào sử dụng, tập trung trên địa bàn 15 quận, huyện, trong đó 477 nhà là chung cư thương mại và 166 chung cư tái định cư. Việc quản lý sử dụng, vận hành sau đầu tư tại các nhà chung cư thương mại do chủ đầu tư quản lý vận hành cho đến khi thành lập Ban Quản trị theo quy định. Đối với nhà tái định cư đang giao cho Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý vận hành 108 tòa và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội quản lý 18 tòa tại khu Nam Trung Yên. Còn 13 tòa nhà chung cư do một số chủ đầu tư, đơn vị thi công được giao quản lý vận hành sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng và 27 tòa (là các nhà thấp tầng, không có thang máy) do các hộ dân tự quản. “Hầu hết các chung cư đều có vi phạm hoặc mập mờ trong quản lý không gian chung. Tình trạng này khiến cư dân tại nhiều khu chung cư yêu cầu phải có sự minh bạch, trả lại không gian chung cho cộng đồng”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Các dịch vụ tầng 1 đang lấn chiếm không gian chung tại khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính.

Hầu hết tầng 1 các tòa nhà chung cư Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hoặc Nam Trung Yên đều được sử dụng làm quán cà phê, quán ăn, bãi trông xe tự phát... lấn chiếm các khoảng không gian chung. “Hàng quán tạo sự nhếch nhác cho cảnh quan, lại làm ô nhiễm môi trường, gây ồn ào khó chịu. Một số quán còn vô ý thức bật nhạc quá to, ảnh hưởng đến cuộc sống cư dân”, anh Nguyễn Hùng Long, cư dân Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, cho biết.

Tại khu chung cư 7 ha Vĩnh Phúc (Ba Đình), tình trạng hàng quán lấn chiếm lối đi, không gian dành cho trẻ em chơi, cũng tạo ra sự xô bồ, nhếch nhác. Tại một số chung cư, chủ đầu tư còn cho thuê mở nhà hàng, karaoke ở tầng dịch vụ như tòa B4 Phạm Ngọc Thạch, 165 Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội)… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng chung cư”, anh Nguyễn Đức Hoàng, cư dân chung cư 165 Thái Hà cho biết.

Từ thực tế này, liên tiếp trong các kỳ họp Hội đồng nhân dân gần đây, các thành viên Ban pháp chế (HĐND) đã đề nghị UBND thành phố có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm tại các chung cư cũ, khu nhà tái định cư lấn chiếm diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ; đồng thời trả lại nguyên hiện trạng để làm khu vui chơi công cộng, nhất là làm sân chơi cho trẻ em.

Chính quyền địa phương vào cuộc

Theo Sở Xây dựng, tình trạng lấn chiếm không gian chung do tốc độ đô thị hóa nhanh, mật độ dân cư tăng cao, đang gây áp lực cho hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật khu vực. Bên cạnh đó là do mưu cầu cuộc sống, thói quen sinh hoạt dẫn tới việc lấn chiếm sử dụng diện tích, không gian công cộng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ. “Theo phân cấp, lỗi là do chính quyền địa phương ngay từ đầu chưa có các biện pháp trong việc ngăn chặn việc lấn chiếm diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt”, ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết.

Do đó, trước mắt, Sở Xây dựng tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục có văn bản chỉ đạo, đôn đốc chính quyền các cấp tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Trong đó giao chính quyền địa phương kiểm tra, giải tỏa và thu hồi phần diện tích lấn chiếm đất công, diện tích công cộng, sử dụng diện tích đất sai quy hoạch được duyệt để làm cơ sở kinh doanh dịch vụ; rà soát sắp xếp lại các diện tích kể cả đất xen kẹt dành không gian sinh hoạt công cộng và sân chơi cho trẻ em, cho người dân tại các khu nhà.

Đối với các khu nhà tái định cư như khu 7,2 ha Vĩnh Phúc, Đền Lừ 1, Yên Hòa, Trung Hòa - Nhân Chính, Nam Trung Yên… Sở Xây dựng tham mưu cho thành phố tiếp tục giao cho chính quyền địa phương rà soát các diện tích tại tầng 1 và phần diện tích khuôn viên xung quanh khu nhà, tổ chức sắp xếp lại và thu hẹp diện tích kinh doanh dịch vụ, bán hàng, đỗ xe để tăng thêm diện tích sinh hoạt cộng đồng và sân chơi cho trẻ em.

Còn đối với các chung cư thương mại đã đưa vào sử dụng, Sở Xây dựng yêu cầu chủ dự án thành lập sớm Ban quản trị để đây là cầu nối quan trọng giữa cư dân với chính quyền địa phương, chủ dự án và đơn vị quản lý vận hành tòa nhà. Trên thực tế tại 191 tòa nhà lập Ban quản trị, nơi nào thành lập dân chủ, công khai minh bạch thì nơi đó an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được đảm bảo, giảm những khiếu nại của các cư dân”, đại diện Sở Xây dựng cho biết.

Bài và ảnh: Xuân Minh
Nan giải vấn đề chung cư cũ
Nan giải vấn đề chung cư cũ

Hiện nay, tại các đô thị trên cả nước còn tồn tại nhiều nhà chung cư đã hết niên hạn sử dụng, chất lượng bị xuống cấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN