Không khó để bắt gặp các trường hợp người đi bộ vi phạm luật giao thông hiện nay trên nhiều tuyến đường phố của Thủ đô. Quan sát tại ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Tràng Tiền - Hàng Bài - Hàng Khay, tại vị trí có đèn đỏ báo hiệu dừng lại, nhưng nhiều người đi bộ vẫn cố tình “luồn lách” sang đường giữa các dòng ô tô, xe máy đang lao vun vút. Thậm chí, tại vị trí có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, nhiều người vẫn sang đường không đi đúng nơi quy định...
Người đi bộ “thờ ơ” với cầu vượt bộ hành. |
Tại các nút giao có lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn như tuyến đường Giải Phóng, Đại Cồ Việt, Phạm Ngọc Thạch, Láng Hạ... mặc dù có cầu vượt bộ hành, song tình trạng người đi bộ không sử dụng cầu, mà cố tình băng qua đường vẫn diễn ra bất cứ thời điểm nào. Trong khu vực phố cổ quận Hoàn Kiếm, việc người đi bộ vi phạm luật đi xuống lòng đường còn trở thành chuyện đương nhiên. Nguyên nhân là do hàng quán, xe cộ tại đây đã chiếm hết vỉa hè, buộc người đi bộ phải vi phạm...
Khi được hỏi, nhiều người đi bộ vi phạm là học sinh, sinh viên, cán bộ nhà nước... biết rõ là vi phạm, nhưng họ hầu như không lo ngại bị xử phạt mà cho rằng cứ “tiện” là đi...
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Hà Nội), phụ trách địa bàn quận Hoàn Kiếm cho biết: Để đảm bảo ATGT, tại các nút, ngã tư có đèn tín hiệu giao thông, đơn vị đều thường xuyên kiểm tra vạch sơn, đèn báo hiệu hoạt động để đảm bảo cho người dân sang đường đúng vị trí, an toàn. Tuy nhiên, không ít người vẫn cố tình vi phạm. Nhiều trong số đó mặc dù biết quy định không được đi dưới lòng đường hoặc sang đường ở những nơi không có vạch sơn dành cho người đi bộ nhưng vẫn vi phạm...”.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội, thực hiện kế hoạch 09/PCSGT về xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông đến nay, phòng đã xử phạt gần 1.000 trường hợp vi phạm, chủ yếu là những trường hợp bị CSGT phát hiện, bắt giữ tại chỗ vì cố tình vi phạm, gây cản trở giao thông cho các phương tiện khác. Tuy nhiên, con số này chiếm tỷ lệ quá nhỏ so với các trường hợp vi phạm luật.
Trao đổi vấn đề này, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội cho biết: “Để người dân thay đổi thói quen ngay một sớm một chiều là việc khó. Phòng CSGT coi việc xử phạt đối với người đi bộ vi phạm giao thông là một “cuộc chiến” lâu dài. Hiện nay, lực lượng CSGT vẫn triển khai vừa xử phạt, vừa đẩy mạnh tuyên truyền, đồng thời cũng kiến nghị các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở, công an các quận, phường tăng cường xử lý nghiêm đối với những trường hợp lấn chiếm vỉa hè “đẩy” người đi bộ xuống đường”.
Cùng với việc xử phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, theo lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội, hiện nay có quá nhiều bất cập khiến cho chính bản thân người dân, người đi bộ muốn thực hiện đúng luật cũng khó. Dẫn chứng tại khu vực trước cổng Bệnh viện Việt Đức, vỉa hè nơi đây đã bị tận dụng làm bãi trông giữ phương tiện. Ít nhất 3 hàng xe máy được xếp tràn trên vỉa hè từ ngã tư phố Phủ Doãn - Tràng Thi đến cổng bệnh viện, đã chiếm trọn lối đi của người đi bộ. Người dân, bệnh nhân... không còn cách nào khác đành phải đi xuống lòng đường để ra vào bệnh viện.
“Nếu để người dân thực hiện nghiêm thì đường phố phải có vỉa hè dành cho người đi bộ. Các cơ quan chức năng cũng như chính quyền sở tại phải nhanh chóng dẹp bỏ các vi phạm lấn chiếm vỉa hè đang bủa vây trên rất nhiều tuyến phố để trả lại lối đi bộ cho người dân”, trung tá Thiều Mạnh Ngọc nhìn nhận.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 46/2016/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 171/2013/NĐ - CP và Nghị định số 107/2014/NĐ - CP với mức phạt nặng hơn mức hiện hành, nhằm tăng tính răn đe, giáo dục. Theo Nghị định, từ ngày 1/8/2016, người đi bộ có thể bị phạt đến 200.000 đồng nếu đi vào đường cao tốc. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 60.000 đồng nếu không đi đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông... Phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng nếu mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Tuy nhiên, đa số người dân cho rằng, cùng với việc xử phạt người đi bộ vi phạm, cần xử phạt những hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Đặc biệt, phải làm cương quyết, tới nơi tới chốn để tạo thành nề nếp. Nếu làm “đầu voi đuôi chuột”, làm theo “chiến dịch” thì tình trạng người đi bộ vi phạm quy định sẽ khó được xử lý triệt để.