Nhếch nhác và lộn xộnTại các tuyến phố có lượng người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc, hệ thống cầu bộ hành đã được xây dựng để đảm bảo an toàn cho người đi bộ nhưng nhiều người dân vẫn chọn giải pháp đối mặt với nguy hiểm để đi bộ băng qua làn xe ô tô, xe máy đông đúc...
Tại Hà Nội, có mặt tại 4 cầu vượt bộ hành trên các tuyến đường Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, phóng viên báo Tin Tức đã nhận ra có nhiều lý do khiến người dân thờ ơ với cầu bộ hành. Khu vực chân cầu đã trở thành điểm tập kết xe thùng chở rác, dụng cụ vệ sinh... nên trông rất nhếch nhác. Nhiều người dân còn vô tư chiếm dụng chân cầu làm nơi kinh doanh quán nước, chợ cóc... Chưa hết, nhiều cầu vượt bộ hành đã ở trong tình trạng xuống cấp: mặt cầu xuất hiện rạn nứt, “ổ gà”, mái che bong tróc...
Tình trạng mất vệ sinh và lộn xộn cũng diễn ra ở cầu vượt bộ hành trước cổng Bệnh viện Bạch Mai. Mặc dù đây là cầu vượt có đông người sử dụng nhất trong số các cầu vượt bộ hành của Hà Nội nhưng dưới chân cầu, bên thì “chợ cóc” phong tỏa, bên thì hàng quán bủa vây rất mất vệ sinh. Trên cầu, những người bán hàng rong vừa bày bán hàng hóa vừa vứt rác bừa bãi. Bác Đức Phúc, người dân ở Giáp Bát cho hay: “Do xe buýt dừng bên đường bên này, nên tôi mới sử dụng cầu bộ hành để sang bên kia vào bệnh viện khám. Chứ bình thường tôi sẽ không đi qua cầu, vì mỗi lần qua cầu, hàng quán, xe ôm đủ các loại chèo kéo...”.
Cầu bộ hành trước cổng Học viện Ngân hàng (Hà Nội) đặt ngay vị trí có đèn tín hiệu, có phần đường dành cho người đi bộ. |
Theo các hộ dân sống ngay cạnh cầu vượt Giảng Võ, từ khi cầu vượt này hoàn thành, vào buổi trưa hoặc tối, cây cầu này trở thành nơi tụ tập của các đối tượng nghiện hút, đánh bạc. Vào buổi sáng sớm, nếu đi lại qua cây cầu này dễ dàng bắt gặp kim tiêm do các đối tượng nghiện hút để lại. Với tình trạng an ninh trật tự như vậy, rất ít người dân dám sử dụng cầu bộ hành.
Nhiều cầu bộ hành không phát huy hiệu quả do quy hoạch xây dựng không hợp lý. Cầu bộ hành trên phố Chùa Bộc, trước cổng Học viện Ngân hàng nằm ở vị trí giao cắt ngã ba Chùa Bộc - lối ra Học viện Ngân hàng, vị trí có đèn tín hiệu giao thông, có vạch đường dành cho người đi bộ sang đường. Tại đây thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nhưng rất ít người sử dụng cầu bộ hành. Bạn Trần Đức Tuấn, sinh viên Học viện Ngân hàng cho biết: “Cầu bộ hành ở vị trí này không hợp lý. Ở ngay điểm đặt cầu vượt có phần đường dành cho người đi bộ nên mọi người ít chọn cách đi qua cầu bộ hành...”.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, Thủ đô hiện có 18 cầu vượt bộ hành nhưng chỉ có số ít cầu hoạt động hiệu quả. Nhiều cầu vượt bộ hành được thiết kế khá cao, lối đi lên cầu dốc, gây nhiều khó khăn cho người già, người tàn tật, người bệnh nặng, sức yếu.
Tại TP Hồ Chí Minh, cầu vượt bộ hành nối liền giữa 2 khu nhà Bệnh viện Ung bướu tại vị trí có lượng xe lưu thông lớn, nhưng nhiều người dân hàng ngày vẫn đi bộ qua đường. Anh Thanh Bình, lái “xe ôm” tại đây cho hay: Không chỉ người đi khám bệnh, bệnh nhân, mà cả bác sĩ, y tá của bệnh viện cũng thường lựa chọn cách băng qua đường thay vì đi qua cầu. Lý do là cầu vượt được thiết kế rất bất hợp lý, bậc thang lên xuống rất cao và dốc, nếu là bệnh nhân thì không thể đủ sức lên xuống cầu được...”.
Cầu vượt tại Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5 - TP Hồ Chí Minh) lâu nay chỉ dành cho bác sĩ, y tá của bệnh viện sử dụng. Hiện nay, cầu này cũng đã phải dừng hoạt động, vì nhiều đối tượng xấu lợi dụng cầu để lẻn vào bệnh viện trộm cắp.
Cần có quy hoạch hợp lý
Tại hội thảo “Quy hoạch, thiết kế, đầu tư, xây dựng và quản lý công trình cầu trong đô thị, thực trạng và giải pháp” do Tổng hội Xây dựng Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, công tác đầu tư xây dựng, quản lý công trình cầu trong đô thị hiện nay bất hợp lý cả về chính sách, quy định, phân công trách nhiệm, đến quy hoạch quỹ đất, bảo tồn, quản lý di sản và phân luồng giao thông...
Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng, để phát huy hiệu quả, cầu vượt bộ hành cần phải đặt ở đúng vị trí nơi người dân có nhu cầu thực sự. Tuy nhiên, việc xây lắp và thiết kế cầu bộ hành hiện nay thường đặt tại những vị trí dễ xây dựng, không phải giải phóng mặt bằng nhiều nên hoạt động không hiệu quả.
Phó Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải nhận định: Quá trình nghiên cứu, thiết kế, quy hoạch, xây dựng cầu bộ hành chồng chéo, dẫn đến nhiều bất cập. Do đó, việc xây dựng cầu vượt bộ hành tới đây cần phải được tính toán kỹ lưỡng, thống nhất để đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, tránh lãng phí không cần thiết.
Trưởng phòng Quản lý và khai thác hạ tầng (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) Ngô Hải Đường lại cho rằng: Để các cầu vượt bộ hành đảm bảo hiệu quả sử dụng thì cần tuyên truyền hướng dẫn, khuyến khích người dân sử dụng kết hợp với thực hiện nghiêm quy định xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định.