Trong 2 ngày 16 - 17/8, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Yên Bái có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 16 - 11 giờ ngày 17/8 phổ biến từ 10 - 40mm, đặc biệt tại Cảm Nhân (Yên Bình) 106,8mm, Vĩnh Lạc (Lục Yên) 92,6mm. Mực nước sông Thao tại Yên Bái đo được lúc 13 giờ ngày 17/8 là 29,45m (dưới báo động 1 là 0,55m).
Tính đến 16 giờ ngày 17/8, mưa lớn gây sạt lở đất đã vùi lấp, làm chết một người tại xã Bảo Ái, huyện Yên Bình. Bên cạnh đó, mưa lớn đã làm hư hỏng một ngôi nhà và khiến cho hơn 20 ha lúa trên địa bàn xã Đại Minh, huyện Yên Bình bị ngập. Các tuyến đường 170 Yên Thế - Vĩnh Kiên tại Km +200; Km 60+420 ngập; đường 175B Mường La - Mù Cang Chải Km 8 + 60 sạt taluy dương, gây tắc đường.
Các chiến sĩ lực lượng Cảnh sát cơ động thuộc Công an tỉnh Yên Bái giúp nhân dân dẹp dọn nhà cửa sau lũ. Ảnh: Đinh Hữu Dư/TTXVN |
Ngay khi nhận được tin báo về sạt lở đất, lãnh đạo UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Yên Bình cùng các ngành, đoàn thể của huyện cũng đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn; đồng thời huy động lực lượng dân quân tự vệ, công an viên và nhân dân đến hỗ trợ, đưa thi thể nạn nhân ra khỏi đống đổ nát.
Trước đó, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ để chủ động phòng, tránh, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, thống kê tình hình thiệt hại. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo các cơ quan chức năng có các biện pháp chủ động ứng phó mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất và đã có công điện, thông báo gửi các phòng, ban, địa phương sẵn sàng các biện pháp ứng phó.
Các lực lượng chức năng cũng đã tổ chức triển khai công tác kiểm tra tại các huyện, thị xã, thành phố, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, thành phố Yên Bái có 82 khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, ngập úng do mưa nội vùng và nước sông Hồng dâng cao với 2.854 hộ, 6.748 người cần di dời, sơ tán.
Thị xã Nghĩa Lộ có 09 hộ có nguy cơ ảnh hưởng do sạt lở đất, lũ quét, 13 hộ nguy cơ bị sạt lở ven suối. Huyện Mù Cang Chải có 69 khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đất, 300 hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng trong đó có 06 khu vực thuộc khu vực có khả năng xảy ra lũ quét thuộc các xã Nậm Có, Cao Phạ, Nậm Khắt, Lao Chải, thị trấn Mù Cang Chải. Huyện Yên Bình có 484 nhà nằm trong vùng nguy hiểm.
Trong đó, số nhà có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét: 69 nhà, số nhà có nguy cơ bị sạt lở đất đá: 2 nhà, số nhà có nguy cơ bị ngập lụt: 33 nhà. Trên địa bàn huyện Trạm Tấu có 12 xã, thị trấn với tổng số 194 hộ với tổng số 1.033 nhân khẩu nằm trong diện có nguy cơ sạt lở cần di dời. Huyện Lục Yên có 624 hộ dân sinh sống tại nơi có nguy cơ bị ảnh hưởng do thiên tai tập trung tại một số xã Tân Lĩnh, Mường Lai, Minh Xuân, Tân Phượng, Minh Chuẩn, An Lạc, Khánh Hòa.