Quà rong trước cổng trường THCS Tân Trào, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Trần Thanh Giang/TTXVN. |
Những quán cơm, bún, phở nghi ngút khói ở một góc phố. Chiếc xe kéo với những túi quà vặt xanh, đỏ bán ngay cổng trường… Tất cả những thức ăn đường phố này từ lâu đã trở thành một phần của đời sống người dân Hà Nội, luôn được thực khách yêu thích không chỉ bởi hương vị của món ăn mà còn vì sự tiện lợi, giá cả phải chăng. Thế nhưng, những thức ăn đường phố này có đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm hay không thì không ai dám khẳng định chắc chắn.
Kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình kinh doanh thực phẩm, thức ăn, đồ uống để ăn ngay, uống ngay, được bán rong trên đường phố hay bày bán tại những địa điểm công cộng như bến xe, nhà ga, khu du lịch, khu lễ hội hoặc ở những nơi tương tự.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 26.609 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó đa số là cửa hàng ăn uống, quầy hàng kinh doanh thức ăn chín và 5.218 cơ sở thức ăn đường phố. Bên cạnh sự tiện lợi, giá cả phải chăng phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân thì dịch vụ này còn tồn tại nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và mất mỹ quan đô thị.
Trong năm 2016, số vụ ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố chiếm 3,2 – 5% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn toàn quốc. Hiện trạng này rất khó có thể kiểm soát được một cách triệt để, nguyên nhân là do tính thiếu tự giác, việc làm ăn gian dối của một số cơ sở kinh doanh cũng như sự dễ dãi với nguy cơ mất an toàn thực phẩm của người tiêu dùng. Chính sự dễ dãi của người tiêu dùng đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Mặt khác, những cơ sở trên thường hoạt động ngoài giờ hành chính, cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát triệt để.
Theo ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Giám sát ngộ độc (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), việc kinh doanh thức ăn đường phố là loại hình không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng rất được ưa chuộng do có thể lựa chọn nhanh, đa dạng, nhiều chủng loại, giá cả hợp lý. Loại hình kinh doanh này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng hiệu lực quản lý thức ăn đường phố của các cấp còn chưa thường xuyên, chưa cao.
Phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là địa bàn đông dân cư lại thường xuyên tập trung nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và ẩm thực, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố rất phát triển. Hiện nay trên địa bàn phường có 128 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hàng năm thu hút hàng vạn lượt du khách nước ngoài đến lưu trú và du lịch.
“Làm thế nào quản lý được chất lượng các đồ ăn, thức uống bày bán trên đường phố luôn là câu hỏi làm đau đầu các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thức ăn đường phố bày bán ở mọi nơi, mọi lúc, thường xuyên thay đổi chủ kinh doanh nên các cơ quan chức năng khó kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ được. Cũng vì vậy, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và lương tâm của người bán hàng” - ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, cách hay nhất và có tính khả thi cao nhất để đảm bảo an toàn thực phẩm thức ăn đường phố là tuyên truyền, vận động người bán hàng tự giác tuân thủ chặt chẽ các quy trình từ khâu lựa chọn, chuẩn bị nguyên liệu đến quá trình chế biến và bày bán trên phố sao cho hợp vệ sinh, góp phần giữ gìn sức khỏe khách hàng.
Từ nhận thức đó, thời gian qua, UBND phường Hàng Buồm đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thuộc phường phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các ban ngành, đoàn thể trong phường đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về đảm bảo thực phẩm. Bên cạnh đó, phổ biến các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, các điều kiện đảm bảo an toàn trong sản xuất chế biến và kinh doanh thực phẩm, 10 nguyên tắc vàng về chế biến an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng...
Bên cạnh công tác tuyên truyền, phường Hàng Buồm thường xuyên nắm bắt thực tế tìm ra những tồn tại, hạn chế để đưa ra hướng giải quyết; kiểm tra, nhắc nhở, giám sát, tư vấn, hướng dẫn các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố, nhất là trên tuyến phố Hàng Buồm và các tuyến phố đi bộ trên địa bàn phường thực hiện đúng các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm; kịp thời xử phạt các trường hợp vi phạm...
Ông Lâm Quốc Hùng cho biết thêm, việc quản lý thức ăn đường phố đã được chỉ rõ trong Luật An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu phải thực hiện đồng bộ giữa các địa phương, huy động các đoàn thể cùng tham gia. Hiện nay, Hà Nội là một trong địa phương chủ động triển khai các mô hình thí điểm an toàn vệ sinh thực phẩm thức ăn đường phố. Đây là mô hình triển khai hiệu quả được Bộ Y tế đánh giá cao cần rút kinh nghiệm để nhân rộng trên địa bàn.
(Bài 2 - Cần phân cấp quản lý triệt để hơn)