Theo đó, nhóm hàng tồn kho với số lượng lớn là sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm SARS-CoV-2, trang phục, vật tư chống dịch, bộ sinh phẩm xét nghiệm và hàng trăm ngàn viên, lọ thuốc kháng virus SARS-CoV-2.
Cụ thể, Kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn khoảng 7.000 - 8.000 mẫu dự trữ sinh phẩm, hóa chất dùng trong xét nghiệm SARS-CoV-2; 400.000 bộ sinh phẩm xét nghiệm từ các nguồn viện trợ. Ngoài ra, kho của đơn vị còn tồn 254.039 viên thuốc kháng virus Molnupiravir 200mg, 2.600 viên thuốc Favipiravir 200mg và 2.417 lọ thuốc Remdesivir 200mg nhận từ nguồn của Bộ Y tế và tài trợ của các doanh nghiệp và có nguy cơ hết hạn.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề xuất với Sở Y tế và trình UBND tỉnh phương án để sử dụng số sinh phẩm, hóa chất này theo hướng tiếp tục xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người từ nước ngoài về, người đi công tác ở tỉnh khác hoặc xét nghiệm tại một số ổ dịch còn ca nhiễm… Đồng thời, Trung tâm đề xuất giữ lại số trang phục, vật tư chống dịch tồn kho để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch hoặc chuyển sang công tác phòng, chống dịch chung của tỉnh, trong đó có dịch COVID-19...
Trước tình trạng còn tồn kho nhiều loại thuốc kháng virus và vật tư phòng, chống dịch, ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế và các cơ quan liên quan cùng các địa phương căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế để xử lý. Trên cơ sở xác định thời hạn sử dụng của từng loại vật tư, sinh phẩm xét nghiệm để điều chuyển sử dụng trên tinh thần bảo vệ sức khỏe người dân và tránh tình trạng phân bổ chưa hợp lý. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các ngành, địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra tổng thể, thống kê danh sách, phân loại vật tư, thiết bị đã hư hỏng, các loại còn sử dụng được trước ngày 13/7. Trên cơ sở đó, đề xuất phương án thanh lý, xử lý, bảo quản, lưu trữ theo quy định và sử dụng hợp lý
Theo Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), số thuốc kháng virus các tỉnh đề xuất trả lại Bộ Y tế đang chờ ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và phương án xử lý; đồng thời, đề nghị các địa phương phải chịu trách nhiệm về nhu cầu thuốc kháng virus cho phòng, chống dịch trong trường hợp dịch bùng phát.