Cách phòng bệnh và nhận biết những biến chứng trẻ mắc bệnh tay chân miệng

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng đang vào mùa và có thể kéo dài đến cuối năm. Thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan trong việc chăm sóc, theo dõi và đưa trẻ đi khám bệnh.

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong những tuần sắp tới, số ca bệnh có thể tiếp tục tăng theo mùa và xuất hiện thêm số ca bệnh nặng cũng như hình thành các ổ dịch ở trường mầm non, nhóm trẻ và cộng đồng.

Những biến chứng của bệnh tay chân miệng

Chú thích ảnh
Nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan trong việc phát hiện và chăm sóc trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, đơn vị ghi nhận hơn 6.358 ca mắc tay chân miệng tại TP Hồ Chí Minh, giảm 58,9% so với cùng kỳ năm 2019; không ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên, số ca mắc trong tuần 39 tăng 53,9% so với trung bình 4 tuần trước đó.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết bệnh tay chân miệng đang vào mùa và có thể kéo dài đến cuối năm, nhưng nhiều phụ huynh vẫn còn chủ quan trong việc chăm sóc, theo dõi và đưa trẻ đi khám. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng thấp hơn rất nhiều, nhưng tính theo từng tháng, số ca mắc các bệnh này có sự gia tăng.

Chú thích ảnh
Trẻ nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng đang gia tăng, dự kiến thời gian tới  bệnh sẽ tiếp tục tăng thêm và sẽ có nhiều ca nặng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh tay chân miệng là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây lan. Thông thường, có 90% trẻ mắc bệnh tay chân miệng có thể tự khỏi, còn lại một số nhỏ có thể diễn biến nặng và phải đi cấp cứu. Những biến chứng bệnh tay chân miệng có thể ảnh hưởng tới não bộ, gây ra suy hô hấp, ảnh hưởng tới tim gây ra viêm cơ tim, suy tim, gây phù phổi cấp… 

Diễn tiến của bệnh tay chân miệng là ban đầu sẽ nổi bóng nước. Nếu bóng nước ở trong miệng thì vỡ ra thành vết loét; bóng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông thì thường không bị vỡ ra và sau đó sẽ khô dần. Diễn tiến bệnh thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, có thể nhiều hơn 10 ngày. 

“Cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện khi phát hiện các dấu hiệu của biến chứng, vì thời gian giữ lại mạng sống cho trẻ khi có biến chứng lên não khoảng 6-12 tiếng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo.

Những dấu hiệu nhận biết trẻ bị biến chứng

Chú thích ảnh
Trẻ bị tay chân miệng thường xuất hiện các vết nổi mụn nước ở lòng bàn tay.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, thông thường các biến chứng thường xuất hiện vào ngày thứ 3 và thứ 5 của bệnh, tức là sau khi nổi vết loét chỗ bóng nước. Những dấu hiệu cần quan sát để phát hiện sớm biến chứng của trẻ như lòng bàn tay nổi nốt, miệng loét, trẻ than đau miệng, chảy nước bọt...

“Dấu hiệu chính là trẻ bị thay đổi giấc ngủ, giật mình, chới với. Nếu nhẹ thì bé sẽ bị giật mình khi thiu thiu ngủ, ngồi dậy chơi thì bình thường. Hay như bé vừa nằm ngã ra là sẽ giật mình, chới với, lúc này bé bị nặng. Nặng hơn nữa là khi bồng trên tay, trẻ vẫn giật mình chới với”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Theo bác sĩ Khanh, chăm sóc cho trẻ bị bệnh tay chân miệng chủ yếu liên quan đến chế độ ăn, vì khi trẻ bị tay chân miệng sẽ rất khó ăn. Nên chú ý cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu. Nếu miệng đau nhiều thì phải đi khám bác sĩ để cho thuốc giảm đau vùng miệng, chăm sóc tốt thì 5-7 ngày trẻ sẽ khỏi bệnh. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phát hiện sớm biến chứng với các dấu hiệu giật mình, thay đổi giấc ngủ. Nếu để trễ hơn trẻ có thể thở mệt, co giật rồi mạch nhanh, không bắt được mạch.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho biết, bệnh tay chân miệng chưa có vắcxin phòng ngừa cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa, quan trọng nhất vẫn là giữ vệ sinh. Ngoài việc ăn sạch, uống sạch thì cần chú ý  vệ sinh sạch những dụng cụ sinh hoạt như chén, ly, đồ chơi của trẻ. Những người chăm sóc trẻ cần đảm bảo vệ sinh cho bàn tay, rửa tay thường xuyên để không mang virút lây bệnh cho trẻ.

Thông tin thêm về việc các bệnh viện TP Hồ Chí Minh phản ánh thiếu thuốc Phenobarbital điều trị tay chân miệng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết, đây là thuốc thường dùng trong trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng. Điều này có nghĩa, khi không có phenobarbital thì các bác sĩ có thể thay thuốc khác điều trị tương đương theo phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế.

Để phòng chống bệnh tay chân miệng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh đề nghị Trung tâm Y tế quận, huyện tăng cường phối hợp với ngành giáo dục giám sát phát hiện sớm các chùm ca bệnh trong trường học (lưu ý ca ngoại trú); thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ở cả nơi sống và nơi học tập của bệnh nhân; đồng thời truyền thông phòng bệnh trong trường học và cộng đồng. Đầu tháng 10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đã thực hiện giám sát công tác phòng chống bệnh Tay chân miệng tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh.
Bình Chánh hiện là một trong các quận huyện có sự gia tăng số trường hợp bệnh tay chân miệng và đã có những trường hợp bệnh tại trường học. Đoàn giám sát cũng đã đề nghị huyện cần tập trung chú trọng đến hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi; tập trung vào những cụm dân cư có đông trẻ. Huyện cần tăng cường giám sát, phát hiện bệnh truyền nhiễm trong trường học. Thực hiện đúng quy định vệ sinh khử khuẩn trong trường học. Bệnh truyền nhiễm là bệnh cần phải được phát hiện sớm, xử lý kịp thời để kiểm soát dịch bệnh.
Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Hướng dẫn các bệnh viện sử dụng thuốc thay thế trong điều trị bệnh tay chân miệng
Hướng dẫn các bệnh viện sử dụng thuốc thay thế trong điều trị bệnh tay chân miệng

Từ đầu tháng 9/2020 đến nay, số trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng, báo hiệu mùa dịch sắp bắt đầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN