Ngày 30/11, mạng xã hội lan truyền đoạn clip nam tài xế xe buýt bất ngờ lên cơn co giật, bất tỉnh khi đang dừng đèn đỏ và tử vong ngay sau đó. Bác sĩ xác định, nguyên nhân tử vong của tài xế là do tai biến mạch máu não, đột quỵ.
Nam tài xế trong đoạn clip là ông V. (43 tuổi, ngụ Gò Vấp). Theo thông tin ban đầu, vào lúc 17 giờ 50 phút ngày 29/11, ông V. đang điều khiển xe buýt số 24 (Bến xe Miền Đông - huyện Hóc Môn) khi đến giao lộ Chu Văn An - Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) gặp đèn đỏ nên dừng lại. Lúc này, tài xế bất ngờ ngã gục. Ngay sau đó, ông V. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tuy nhiên, khi đến bệnh viện, bác sĩ xác nhận ông V. đã tử vong do đột quỵ và tai biến mạch máu não.
Được biết, trước khi xảy ra sự việc, trong khi điều khiển xe, tài xế đã có biểu hiện chóng mặt, đau đầu và đã đi mua thuốc để uống, nhưng chưa kịp uống thì bị đột quỵ.
Trước đó, sáng cùng ngày, một người đàn ông 69 tuổi cũng bất ngờ ngã xuống rồi tử vong khi đang chạy xe đạp trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh). Bước đầu, các cơ quan chức năng nhận định nạn nhân tử vong do đột quỵ.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não tại Bệnh viện Nhân dân 115, các nghiên cứu y học đã chỉ ra rằng, thời tiết có ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là trong các giai đoạn chuyển mùa. Nguyên nhân chính là do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, làm tăng nguy cơ gây đột quỵ.
“Trong những thời điểm giao mùa, huyết áp thường dao động mạnh và có xu hướng tăng cao, đặc biệt là ở những bệnh nhân cao huyết áp, nhất là người cao tuổi và những người không tuân thủ điều trị huyết áp đều đặn. Với bệnh lý xuất huyết não, thủ phạm chủ yếu là tăng huyết áp, chiếm hơn 90% các trường hợp”, bác sĩ Thắng cho biết.
Thực tế, theo thống kê từ Bệnh viện Nhân dân 115, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do xuất huyết não liên quan đến tăng huyết áp thường gia tăng rõ rệt trong các tháng cuối năm, đặc biệt là từ tháng 11 đến tháng 1 hàng năm, khi thời tiết thay đổi và nhiệt độ giảm mạnh.
Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh lưu ý, vào thời điểm cuối năm, người bệnh cần đặc biệt chú trọng kiểm soát các bệnh nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp. Vì khi thời tiết thay đổi, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa, có thể khiến huyết áp tăng cao, gây nguy hiểm cho sức khỏe. Những người cao tuổi, béo phì hoặc có nhiều bệnh nền kèm theo là những đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao nhất.
Ngoài ra, vào cuối năm, các dịp lễ tết với tiệc tùng, bia rượu cũng là yếu tố làm huyết áp tăng đột ngột. Do đó, người bệnh cần phải hết sức thận trọng, giảm thiểu tối đa các yếu tố nguy cơ này. Đối với những bệnh nhân huyết áp, việc để sẵn một vài viên thuốc kiểm soát huyết áp ở những nơi dễ dàng tiếp cận như ví, bàn làm việc… là điều cần thiết, tránh trường hợp quên uống thuốc. Thực tế, hơn 70% trường hợp đột quỵ có thể tránh được nếu người bệnh tuân thủ điều trị dự phòng đầy đủ.
Trong một chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh đột quỵ vào sáng ngày 30/11, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, trong những năm gần đây, bệnh đột quỵ không còn là bệnh chỉ gặp ở người cao tuổi (trên 65) mà đang có xu hướng trẻ hóa, với độ tuổi mắc bệnh ngày càng thấp, từ - 47 tuổi. Tuy nhiên, đa số bệnh nhân nhập viện khi đã qua "giờ vàng" điều trị, tình trạng đã trở nên nghiêm trọng.
Lý do nhập viện muộn phần lớn xuất phát từ sự chủ quan của người bệnh. Họ thường đánh giá nhẹ các triệu chứng đột quỵ như yếu cơ, liệt mặt nhẹ hoặc chỉ nghĩ rằng cơ thể mệt mỏi và sẽ tự qua đi. Thậm chí, có trường hợp đột quỵ xảy ra vào ban đêm mà không được phát hiện kịp thời.
Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa nhấn mạnh, việc nhận diện dấu hiệu đột quỵ và xử lý kịp thời trong “thời gian vàng” từ 3 - 4,5 giờ đầu đóng vai trò quyết định hiệu quả điều trị và giảm thiểu hậu quả cho bệnh nhân. Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ bao gồm yếu liệt mặt, mặt một bên bị chảy xệ hoặc cười méo mó, khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể; mất thị lực đột ngột như mờ mắt hoặc nhìn không rõ; giọng nói thay đổi, nói ngọng hoặc dính chữ… Nếu xuất hiện những dấu hiệu này, người nhà cần tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn uống gì, không cạo gió hay chích máu ngón tay, mà phải gọi ngay 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu thực hiện lối sống lành mạnh, thường xuyên tập luyện thể dục, ăn uống khoa học và kiểm tra sức khỏe định kỳ, người dân hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ của bệnh, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc đột quỵ và các bệnh lý nguy hiểm khác.
Theo thống kê Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ, trong đó tỷ lệ người trẻ mắc bệnh ngày càng gia tăng, chiếm từ 10 - 15% tổng số ca.