Cảnh báo sự gia tăng bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục trong cộng đồng​

“Bên cạnh các bệnh lâu đời như giang mai, lậu, HIV/AIDS, ngày càng có nhiều bệnh lây nhiễm qua đường tình dục mới xuất hiện như đậu mùa khỉ, Mycoplasma genitalium… Điều đáng lo ngại là các bệnh lý này đang xuất hiện nhiều ở nhóm dân số quan hệ tình dục nam (MSM)”.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo về sự gia tăng các bệnh lây qua tình dục trong cộng đồng.

Nhận định được đưa ra tại Hội nghị khoa học Nhiễm khuẩn lây qua tình dục do Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 1/12.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bệnh lây qua đường tình dục (STI) là các bệnh do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra, lây qua quan hệ tình dục, đường máu hoặc từ mẹ sang con. Nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, các bệnh lý này có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, như vô sinh, biến chứng thai kỳ, các rối loạn về sinh sản và làm tăng tỷ lệ mắc HIV.

Theo thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi ngày có hơn 1 triệu ca nhiễm mới các bệnh lây truyền qua đường tình dục và phần lớn trong số này không có triệu chứng. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau đại dịch COVID-19, số trường hợp người dân đến Bệnh viện Da liễu khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục đã gia tăng theo thời gian.

Trong năm 2023, tổng số lượt khám bệnh ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh là 7.836 lượt, trong đó 75.037 lượt khám liên quan đến nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục, chiếm khoảng 10% tổng số lượt khám. Trong số đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc giang mai chiếm 13%, còn lại là các bệnh như lậu và sùi mào gà.

“Tỷ lệ bệnh giang mai trong những năm gần đây đã có sự gia tăng mạnh mẽ, số ca mắc mới giang mai trong năm 2023 là 3.600 ca, tăng mạnh so với những năm trước. Đặc biệt, tỷ lệ mắc giang mai ở nam giới, nhất là trong nhóm MSM (nam quan hệ đồng giới) chiếm phần lớn”, bác sĩ Thúy cho hay.

Bên cạnh giang mai, số ca mắc bệnh lậu cũng đang tăng mạnh, chủ yếu là trong nhóm đối tượng quan hệ đồng tính nam. Ngoài ra, một số bệnh lý lây qua đường tình dục mới như viêm niệu đạo do Neisseria gonorrhoeae (lậu), Mycoplasma genitalium, hay hột xoài (Chlamydia trachomatis) cũng đang gia tăng nhiều ở nhóm người quan hệ đồng tính nam.

Bác sĩ Bùi Mạnh Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhận định, với xu hướng hiện nay, tỷ lệ mắc các bệnh lây qua đường tình dục dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và nguy cơ xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng thuốc (siêu vi khuẩn). Kháng thuốc đang trở thành thách thức lớn trong điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Tỷ lệ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh lậu đã tăng mạnh ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Đây là một mối đe dọa lớn đối với công tác điều trị và phòng ngừa các bệnh này.

“Chúng ta cần nhấn mạnh rằng, sự gia tăng của các nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục không chỉ là vấn đề của riêng nhóm người quan hệ đồng tính nam mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng rộng lớn hơn. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng, cải thiện hệ thống y tế và phát triển các giải pháp điều trị và phòng ngừa mới là điều kiện tiên quyết để kiểm soát hiệu quả tình hình”, bác sĩ Bùi Mạnh Hà khuyến cáo.

Chú thích ảnh
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, với sự phát triển của khoa học, ngành y tế đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý nhiễm khuẩn lây qua đường tình dục. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bệnh lý này vẫn đang ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng và gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe, chất lượng sống và tạo gánh nặng lên hệ thống y tế. Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh giao Bệnh viện Da liễu phụ trách việc điều trị, quản lý và đưa ra các khuyến cáo, cảnh báo đối với các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Đây là nỗ lực nhằm kiểm soát tốt hơn cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn qua đường tình dục.

Tin, ảnh: Đinh Hằng (TTXVN)
Cần giải pháp ứng phó bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau COVID-19
Cần giải pháp ứng phó bệnh truyền nhiễm và các vấn đề y tế công cộng sau COVID-19

Sau COVID-19, Việt Nam và thế giới phải đối mặt sự gia tăng các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và bệnh không lây nhiễm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN