Chiều 20/3 bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị can thiệp nội mạch của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân quốc tịch Singapore bị nhồi máu cơ tim cấp được chuyển khẩn từ bệnh viện An Bình.
Đó bệnh nhân B.H.B (59 tuổi) lần đầu tiên cùng bạn bè sang Việt Nam du lịch. Khai thác bệnh sử cho thấy, trước nhập viện 2 giờ, sau buổi ăn chiều, ông B.H.B lên cơn đau ngực dữ dội sau xương ức. Cơn đau kéo dài hơn 30 phút thì người bệnh được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện An Bình. Người bệnh bất tỉnh kéo dài khoảng 3 phút trước khi đến bệnh viện.
Nhờ được cấp cứu kịp thời mà bệnh nhân này đã thoát khỏi "bàn tay tử thần". Ảnh: BV |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, mạch và huyết áp không đo được, điện tâm đồ cho thấy người bệnh bị rung thất – gần ngưng tim, các y bác sĩ bệnh viện An Bình đã nhanh chóng xử trí cấp cứu người bệnh bằng sốc điện, đặt nội khí quản để thở máy, dùng các thuốc điều trị rối loạn nhịp, các thuốc vận mạch để nâng huyết áp. Sau 15 phút hồi sức tích cực, tim người bệnh đập lại, huyết áp có nhưng rất thấp, đo điện tâm đồ lúc sau này thấy có dấu hiệu nhồi máu cơ tim tối cấp thành dưới.
Đánh giá về tình trạng bệnh nhân, các bác sĩ cho rằng, tình trạng của người bệnh rất nguy kịch, nếu không được can thiệp cấp cứu để tái thông mạch máu bị tắc thì gần như là khả năng tử vong rất là cao. Theo đó, những tình huống có thể xảy ra là người bệnh sẽ bị tái phát lại rung thất, nghĩa là ngưng tim trở lại, đã bị rung thất thì nguy cơ sẽ bị rung thất lại lần nữa hay nhiều lần tái đi tái lại là rất cao; thứ hai là người bệnh có thể bị suy tim nặng – choáng tim (tuột huyết áp kéo dài) dẫn đến tử vong và thứ ba là nếu người bệnh không được cấp cứu sớm sẽ bị vỡ tim, thủng tim.
Chính vì vậy, các y bác sĩ bệnh viện An Bình ngay lập tức thông báo với y bác sĩ can thiệp nội mạch của bệnh viện Đai học Y Dược qua điện thoại, quyết định chiến lược điều trị tiếp theo là chuyển khẩn người bệnh qua bệnh viện để can thiệp mạch vành cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu cho biết, 17 giờ 10 phút cùng ngày, người bệnh được chuyển đến khoa Cấp cứu của bệnh viện Đại học Y Dược, thủ tục hành chính nhanh gọn và đến 18h10 phút người bệnh được nong bóng thành công. Chỉ trong thời gian cửa bóng là 60 phút từ khi nhập viện đến khi tái thông lại mạch máu bị tắc, người bệnh đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch. Thời gian cửa bóng là khoảng thời gian từ lúc người bệnh đến cửa bệnh viện cho đến khi được can thiệp bằng cách nong bằng bóng.
ThS BS.Trần Hòa, Trưởng đơn vị Can thiệp nội mạch nhận định: “Trong tình huống này, người bệnh đã rất may mắn vì đã đến bệnh viện An Bình sớm để được xử trí ban đầu tốt, cũng như được chuyển viện kịp thời đến bệnh viện Đại học Y Dược với đầy đủ các phương tiện hỗ trợ như êkíp can thiệp nội mạch tay nghề cao, kinh nghiệm trong xử trí các tình huống cấp cứu, thủ tục hành chính tinh gọn giúp thời gian cửa bóng thấp nhất".