Coi sức khỏe công nhân là tài sản của doanh nghiệp
Việc tính toán, xây dựng giá suất ăn cho người lao động, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các suất an toàn là rất quan trọng vì nó liên quan rất lớn đến các hoạt động của mỗi doanh nghiệp.
Qua các vụ việc ngộ độc tập thể tại nhiều doanh nghiệp vừa qua cho thấy, để xảy ra mất an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động sẽ làm xáo trộn các hoạt động mà còn giảm năng suất lao động của chính doanh nghiệp đó. Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm tới bữa ăn của người lao động, cần coi sức khỏe của người lao động là tài sản của doanh nghiệp.
Thực tế qua các hoạt động kiểm tra cho thấy, hiện nay rất nhiều công ty cũng đã quan tâm, xây dựng bếp ăn tập thể an toàn, khá chuyên nghiệp. Đây là những mô hình cần nhân rộng để nâng cao hơn nữa chất lượng bữa ăn của người lao động.
Bà Hà Linh Chi, đại diện Công ty TNHH Panasonic Appliances Việt Nam (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ cách tổ chức bếp ăn: “Đối với các nhà thầu cung cấp thực phẩm, chúng tôi đều bắt buộc họ phải đảm bảo nguồn gốc bằng các chứng từ, văn bản cụ thể. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra các nhà thầu cung cấp thực phẩm để đảm bảo thực hiện nghiêm túc. Không chỉ bảo đảm vệ sinh theo quy định tại khu nấu ăn, công ty cũng đầu tư xây dựng khu bếp nấu hiện đại, có kho bảo quản lạnh riêng để đảm bảo thực phẩm luôn tươi ngon”.
“Hiện giá một suất ăn tại công ty là 26.000 đồng/suất bao gồm 1 suất ăn và 1 hộp sữa. Ngoài việc mua thực phẩm đầu vào có nguồn gốc rõ ràng, chúng tôi cũng đảm bảo đa dạng thực đơn, thực phẩm hàng ngày. Thực đơn các ngày liên tiếp khác nhau, ví dụ như hôm nay ăn gà thì mai ăn bò, ngày kia ăn thịt lợn, ngày tiếp theo ăn cá để đảm bảo thực phẩm tồn từ hôm trước không được sử dụng lại cho hôm sau”, bà Nguyễn Thị Hoàng Mai, Đại diện quản lý Bếp ăn tập thể Công ty TNHH Denso Việt Nam (KCN Thăng Long, Hà Nội) cho biết.
Tăng cường các kênh giám sát
Theo các chuyên gia, để thực phẩm bẩn không có “cửa” vào các bếp ăn tập thể, việc thường xuyên giám sát của các cơ quan chức năng vô cùng quan trọng; cần kiểm tra thực chất, truy xuất đến cùng nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể để tránh tình trạng các nhà cung cấp thực phẩm “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đồng thời các cơ quan quản lý cũng cần kết nối để các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn gặp được những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn.
Bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã kiểm tra, xử phạt 14 bếp ăn tập thể vi phạm ATTP với số tiền gần 90 triệu đồng. Qua kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp cho thấy nhiều đơn vị mắc các lỗi như: Việc thực hiện bảo quản thực phẩm không đúng; người chế biến không khám sức khỏe hoặc không có xác nhận kiến thức vệ sinh thực phẩm; thiết kế và tổ chức bếp không theo nguyên tắc một chiều….
“Việc thường xuyên giám sát và hướng dẫn cụ thể cho nhà cung cấp thực phẩm, người chế biến về vấn đề bảo đảm ATTP, có chế tài thưởng, phạt cụ thể là rất cấp thiết để hạn chế ngộ độc thực phẩm tại các bữa ăn ca”, bà Thu đề xuất.
Cũng theo bà Thu, để quản lý ATTP trong các bếp ăn tập thể, Ban quản lý các KCN và chế xuất phải thường xuyên cập nhật danh sách các cơ sở cung cấp suất ăn, bếp ăn tập thể để nhắc nhở họ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, giám sát an toàn thực phẩm với những đơn vị có bếp ăn tập thể, với nhà thầu cung cấp suất ăn. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ làm cầu nối cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch với các bếp ăn tập thể và tiếp tục nghiên cứu các mô hình quản lý, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Để nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý ATTP, tránh xảy ra các vụ ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc; yêu cầu các cơ quan chức năng tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp suất ăn cho bếp ăn tập thể. Đề nghị các địa phương xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Đối với các nhà máy trong khu công nghiệp và khu chế xuất cần chăm lo cho bữa ăn của công nhân, tăng cao định mức khẩu phần suất ăn cho người lao động, đồng thời thường xuyên thực hiện công tác tự giám sát các điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể và nơi cung ứng thực phẩm.