Chuyện bác sĩ vùng cao lần đầu thực hiện kỹ thuật mới

Nhờ chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 và Bệnh viện Vệ tinh, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên đã nâng cao tay nghề, điều trị và cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Theo dõi và chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Điều trị hiệu quả, tạo niềm tin cho bà con dân tộc

Chỉ sau một cơn đau đầu, bà N.T.A, 67 tuổi ở TP. Điện Biên Phủ được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Điện Biên trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người người, không nói được, xuất tiết đờm miệng họng... Với những trường hợp này, nếu không được cấp cứu kịp thời người bệnh thường khó có thể qua khỏi, hoặc nếu qua khỏi thì mang tàn tật suốt đời…

Tuy nhiên, nhờ được đào tạo và chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816 và Bệnh viện Vệ tinh (BVVT), các bác sĩ BVĐK tỉnh Điện Biên đã tự tin thực hiện thành công “Kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ não cấp”. Người bệnh đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe ổn định. Qua đây, BVĐK tỉnh Điện Biên đã tạo được niềm tin với bà con các dân tộc trên địa bàn.

Chia sẻ về phút quyết định “sinh – tử” ấy, điều này, BSCKII Trần Hải Phong, Trưởng Khoa Cấp cứu, BVĐK tỉnh Điện Biên cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân vào cấp cứu nhận thấy tình trạng bệnh nhân đang ở mức nghiêm trọng, kíp trực đã nhanh chóng báo cáo và xin ý kiến lãnh đạo Bệnh viện. Ngay lập tức, BSCKII. Phạm Văn Mẫn, Giám đốc BV đã chỉ đạo nhanh chóng lấy máu xét nghiệm, đồng thời điều trị kiểm soát đường máu, huyết áp và đưa bệnh nhân chụp Ctscanner sọ não để đưa ra chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị cụ thể.

Kết quả chụp CTscaner cho thấy bệnh nhân bị đột quỵ não cấp (nhồi máu não). Bệnh nhân ngay lập tức được đưa vào phòng theo dõi, chăm sóc đặc biệt. Dưới sự chủ trì của Giám đốc Phạm Văn Mẫn, BSCKII.Trần Hải Phong, Trưởng Khoa Cấp cứu và Thạc sỹ, Bác sỹ Lường Văn Long, Trưởng Khoa Thần kinh được mời vào hội chẩn và quyết định ngay lập tức dùng thuốc tiêu sợi huyết để điều trị ngay trong khung giờ vàng (3 giờ đầu sau tai biến).

Bác sỹ Mẫn cho biết, khi đó, kíp bác sĩ của Bệnh viện đã được các thầy ở tuyến Trung ương chuyển giao kỹ thuật này, tuy nhiên theo quy định phải được Hội đồng chuyên môn của tỉnh thông qua mới được cấp chứng chỉ và thực hiện. Tuy nhiên, trước ranh giới mong manh của người bệnh mà bệnh viện có thuốc, có con người thực hiện được do đó các bác sĩ đã “mạnh dạn” quyết định cứu sống bệnh nhân.

Cũng theo BS. Mẫn, vì đây là lần đầu tiên tại BVĐK tỉnh áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ nên gia đình người bệnh không khỏi hoài nghi. Song, với sự nhiệt tâm vì người bệnh, các bác sĩ đã phân tích, giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu và tin tưởng hợp tác với Bệnh viện, chấp thuận điều trị bằng kỹ thuật mới.

BSCKII. Trần Hải Phong, người chịu trách nhiệm chính trong ca bệnh này đã phải trải qua những áp lực không nhỏ. Tuy nhiên, bằng sự tự tin và sự sống của bệnh nhân BS. Phong cùng BS.Lò Văn Quyết đã cẩn thận, tỉ mỉ, tính toán liều lượng chuẩn xác tới từng mililit, microgam để điều trị. Khi những giọt thuốc đầu tiên được tiêm vào cơ thể người bệnh, cũng là lúc kim đồng hồ chỉ 22 giờ 30 phút. Vậy là chưa đầy 2 giờ sau khi bệnh nhân nhập viện, phương pháp mới đã được áp dụng kịp thời cứu sống bệnh nhân.

Sau khi thực hiện kỹ thuật 3 tiếng rồi 6 tiếng, những ngón tay, ngón chân của người bệnh đã cử động và 36 giờ sau, sự phục hồi vận động của người bệnh đã đạt được 70 - 80%. Sau 3 ngày bệnh nhân đã tự nhấc được chân, tay lên khỏi mặt giường.

Sau 2 tuần điều trị tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân được xuất viện trong sự vui mừng của gia đình và tập thể y, bác sỹ bệnh viện. “Sau tất cả những gì diễn ra từ khi bệnh nhân nhập viện cho đến quyết định áp dụng kỹ thuật mới cả kíp thực hiện và người nhà mới thở phào nhẹ nhõm”, BS Mẫn chia sẻ.

Tiếp nhận thành công, duy trì tốt các kỹ thuật được chuyển giao


Được biết, BVĐK tỉnh Điện Biên là một trong những BV đầu tiên được nhận sự hỗ trợ rất sớm từ Đề án 1816 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, BVĐK tỉnh Điện Biên đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của cá bệnh viện tuyến trung ương.

Từ năm 2008 đến nay, sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án, được sự quan tâm giúp đỡ và chỉ đạo sát sao của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế, Bệnh viện đã nhận được hỗ trợ của của các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tuyến trung ương với 71 đợt cán bộ trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tại bệnh viện với tổng số 21 lĩnh vực chuyên môn.

Sau đó, Thực hiện Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11/3/2013 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, BVĐK tỉnh Điện Biên đã được phê duyệt trở thành BV vệ tinh của BV Hữu nghị Việt Đức, BV Tim Hà Nội và BV K Trung ương.

BVĐK tỉnh đã tiếp nhận thành công 12 gói kỹ thuật từ BV Hữu nghị Việt Đức, bao gồm: Phẫu thuật nội soi tán sỏi tiết niệu ngược dòng bằng laser; Kỹ thuật chụp, phân tích kết quả cắt lớp vi tính trong cấp cứu ngoại khoa; Điều trị bảo tồn chấn thương tạng đặc; Phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi; Phẫu thuật gãy vùng mấu chuyển xương đùi…

Sau khi chuyển giao, các bác sĩ, kỹ thuật viên được chuyển giao đã tiếp nhận thành công, thực hiện thành thạo và duy trì tốt các kỹ thuật, trong quá trình thực hiện không có bệnh nhân tai biến, không có bệnh nhân phải chuyển tuyến trên vì lý do thực hiện kỹ thuật.

Đề án hỗ trợ BV hệ thống Telemedicine phục vụ công tác hội nghị, giao ban, hội chẩn chuyên môn trực tuyến giữa BV với BV Hữu nghị Việt Đức và các BV vệ tinh khác trong hệ thống. BV duy trì hội chẩn, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn hàng tuần với bệnh viện hạt nhân và các BV vệ tinh.

Trong khuôn khổ của Đề án, BV đã được BV Tim Hà Nội, BV K Trung ương hỗ trợ, giúp đỡ triển khai đào tạo về các kỹ thuật chẩn đoán, điều trị và một số kỹ thuật can thiệp tim mạch; các phương pháp chẩn đoán, điều trị, chăm sóc giảm nhẹ cho người bệnh ung thư.

Qua triển khai thực hiện Đề án, BVĐK tỉnh Điện Biên đã từng bước phát triển các kỹ thuật chuyên môn của đơn vị, đồng thời hỗ trợ cho các đơn vị tuyến dưới nâng cao năng lực, chất lượng khám chữa bệnh.

Bài, ảnh: Lê Hoàng
Từ Đề án 1816 đến Bệnh viện Vệ tinh: Những con số biết nói
Từ Đề án 1816 đến Bệnh viện Vệ tinh: Những con số biết nói

Gần 2,5 triệu lượt bệnh nhân được khám, chữa bệnh, 4800 kỹ thuật được chuyển giao, gần 24.000 ca phẫu thuật được thực hiện, 4.000 lớp tập huấn được mở đào tạo cho gần 12.000 học viên… là những con số ấn tượng đánh dấu 10 năm ngành y tế thực hiện Đề án 1816.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN