Không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, nhờ triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, tỉnh đã liên tục 16 năm bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và là năm thứ 12 duy trì thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh.
Cụ thể: tỉnh đã duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ đạt yêu cầu trên 98%. Tỷ lệ trẻ được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh đạt trên 98%; 100% số huyện đạt tiêu chuẩn loại trừ uốn ván sơ sinh. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được bảo vệ chống lại bệnh viêm gan B bằng 1 liều tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh ngày càng cao và tăng đều qua các năm.
Ngay từ đầu năm 1990, Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được triển khai tại 100% các xã trên địa bản tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã hoàn thành tốt 3 đợt chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella cho trẻ từ 1-14 tuổi và chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi – rubella cho đối tượng thanh thiếu niên từ 16-17 tuổi, với tổng đối tượng được tiêm là hơn 309.000 người, đạt tỷ lệ trên 99%.
An toàn tiêm chủng luôn được ngành y tế tỉnh chú trọng với 100% cán bộ làm công tác được tập huấn và cấp giấy chứng nhận An toàn tiêm chủng. Các buổi tiêm chủng đều được tổ chức an toàn, hiệu quả và đúng quy định. Nhờ vậy, trong những năm gần đây không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Báo cáo cũng nêu rõ: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận rải rác các trường hợp viêm não Nhật Bản; một số trường hợp mắc sởi vào các năm 2009, 2010, 2011 và 2014. Đặc biệt, tháng 3/2017 tại xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây đã có 1 trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu.
Ngay sau đó, ngành y tế tỉnh đã phun hóa chất khử trùng; khám, điều trị dự phòng cho 71 ca và lấy máu xét nghiệm 12 ca tiếp xúc với trường hợp tử vong; đồng thời tăng cường truyền thông các biện pháp phòng chống bệnh. Nhờ vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện thêm trường mới mắc bệnh bạch hầu.
Đảm bảo an toàn tiêm chủng
Thạc sỹ Nguyễn Tấn Đức, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng dịch vụ, tỷ lệ tiêm chủng tại vùng núi, vùng sâu vùng xa được chú trọng và có các hoạt động cải thiện nhưng vẫn là vấn đề thách thức lớn.
Hoạt động tuyên truyền vận động người dân và trẻ em ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn do giao thông đi lại chưa thuận lợi. Đặc biệt, tỷ lệ sinh đẻ tại cơ sở y tế ở các huyện miền núi còn thấp nên tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại đây chưa cao.
Bên cạnh đó, tình trạng di dân, biến động dân số dẫn tới nguy cơ xâm nhập và lây truyền mầm bệnh giữa các quốc gia nói chung, các địa phương nói riêng. Đồng thời, tâm lý e ngại của người dân về chất lượng, an toàn tiêm chủng dẫn đến việc chờ đợi vắc xin dịch vụ. Vì vậy, nhiều trẻ không được tiêm đúng lịch, tiêm muộn, tiêm không đầy đủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ và nguy cơ bùng phát dịch trở lại.
Số trường hợp mắc bệnh có xu hướng chuyển sang trẻ lớn và người lớn, nhất là các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ. Miễn dịch quần thể chưa đủ lớn để cắt đứt hoàn toàn dây chuyền gây dịch. Ngoài ra, nhiều vắc xin phòng bệnh như tiêu chảy do Rota vi rút, viêm phổi do phế cầu, vắc xin bại liệt tiêm... chưa được sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cán bộ huyện, xã hiện phải kiêm nhiệm nhiều chức năng dẫn tới hiệu quả công việc chưa cao. Trang thiết bị máy tính tuyến xã/phường có cấu hình yếu và kết nối internet không ổn định gây khó khăn khi triển khai phần mềm Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia mới…
Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nêu rõ: Để bảo đảm tất cả trẻ em trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng phòng bệnh, thời gian tới tỉnh Quảng Ngãi tập trung tăng cường phòng bệnh bằng vắc xin cho trẻ ngay khi ra đời. Tỉnh sẽ tăng cường tư vấn, kêu gọi các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch trong tiêm chủng thường xuyên và các chiến dịch tiêm chủng.
Cán bộ làm công tác tiêm chủng sẽ được thực hành tiêm chủng thuần thục, nắm rõ đầy đủ qui trình, tránh để xảy ra sai sót dù nhỏ nhất để đảm bảo an toàn tiêm chủng, hiệu quả. Các cơ quan truyền thông ở địa phương sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu đúng lợi ích, hiệu quả của vắc xin và tầm quan trọng của tiêm chủng; đồng thời tích cực đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng hiệu quả.
Hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2017, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục cam kết triển khai tiêm chủng trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng của cả nước và khu vực. Năm nay, tổng số đối tượng tiêm chủng trên địa bàn tỉnh gồm: Phụ nữ có thai là 22.878 người, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-35 tuổi) là 21.063 người và trẻ em trên 1 tuổi là 22.878 trẻ...