Bệnh nhân là ông Đinh Quang B, 53 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh được đưa đến Bệnh viện Trưng Vương ngày 13/10 trong tình trạng bỏng nặng. Diện tích bỏng chiếm khoảng 20% cơ thể.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, sau khi dùng bật lửa gas mini (loại vỏ nhựa) châm lửa hút thuốc, ông B cho bật lửa vào túi quần. Do sơ ý, cánh tay cầm điếu thuốc chạm gần túi quần, chiếc bật lửa có thể bị xì gas nên bắt lửa cháy quần áo và phát nổ. Người nhà đã dập lửa, thay quần áo và lập tức đưa ông B đến bệnh viện.
Tuy nhiên, khi sơ cứu cho bệnh nhân, người nhà chỉ dập lửa, thay quần áo mà quên mất thao tác dội nước sạch lên vùng bỏng để làm mát vết thương.
Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến vết bỏng trở nên sâu và khó điều trị hơn.
Bác sỹ Khanh cho biết: Bệnh nhân bị bỏng cấp độ 3, sâu, tổn thương, hoại tử da, nặng nhất là ở bộ phận sinh dục và hậu môn.
Hiện nay, việc vệ sinh cá nhân của bệnh nhân khó khăn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Trong những ngày tới, có thể sẽ phải mở lỗ thông qua da để dẫn phân và nước tiểu ra ngoài, tránh nhiễm trùng khiến vết bỏng nặng thêm.
Bác sỹ Phạm Trịnh Quốc Khanh cảnh báo, đây là trường hợp đầu tiên bệnh nhân bị nổ bật lửa dẫn tới bỏng nặng mà bệnh viện tiếp nhận điều trị. Tuy nhiên, do bật lửa gas mini là loại vật dụng phổ biến trong cuộc sống nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.
Trong bật lửa gas có chứa một lượng gas nhất định, khi gas trong bật lửa bị rò rỉ (do nứt vỏ nhựa, hở van…) ra môi trường xung quanh, nếu gặp môi trường nhiệt độ đủ cao hay có tia lửa điện (dù rất nhỏ) cũng có thể gây cháy nổ, nguy hại cho người sử dụng. Đặc biệt, bác sỹ Khanh cảnh báo nên để bật lửa xa tầm tay của trẻ nhỏ.