Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tuần đầu tiên của năm 2019, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào. Hiện 24/24 quận, huyện đều phát hiện các ca bệnh sởi; trong đó quận Thủ Đức, quận 8, quận 12 và Bình Tân có ca sởi nhiều nhất.
Ghi nhận tại khoa Nội A, bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số người nhập viện mắc sởi đang tăng rất mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo đó, vào tháng 11/2018 có khoảng 120 ca nhưng đến tháng 12/2018 thì số bệnh nhân mắc sởi tới khám tăng vọt lên gấp đôi 269 ca, trong đó 50% là trẻ em.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, trưởng khoa Nội A, bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho biết khoảng 2 tháng gần đây bệnh sởi gia tăng đột ngột và bệnh viện đang trong tình trạng quá tải. Đặc biệt, trong đầu tháng 1/2019, khoa lúc nào cũng có 60 -70 bệnh nhân nằm điều trị nhưng chỉ có 55 giường bệnh. Trong số đó, có 5 -7 thai phụ mắc sởi.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa cho biết thêm, những phụ nữ mang thai bản thân cơ địa miễn dịch kém, bệnh sởi làm miễn dịch kém, dẫn đến nguy cơ sẩy thai, thai lưu, sinh non, viêm phổi. “Trong tháng 11 có một thai phụ mắc sởi bị thai chết lưu; tháng 12 có 3 ca sinh non, bệnh viện phải chuyển qua khoa sơ sinh của bệnh viện Từ Dũ hỗ trợ”, bác sĩ Hoa cho hay.
“Người lớn thường chủ quan trong lúc chăm con nên cuối cùng nhập viện cùng con mình. Vừa qua, bệnh viện cũng đã tiếp nhận 3 gia đình có từ 3 đến 4 người trong một nhà lây bệnh sởi cho nhau rồi vào đây điều trị”, bác sĩ Hoa cho biết.
Trong khi đó, ghi nhận tại bệnh viện Nhi đồng 2, hiện đang có 61 ca đang nằm điều trị tại khoa Nhiễm, trong đó có 5 ca phải hỗ trợ thở ôxy. Các bác sĩ cho biết, hiện sởi đang tăng, số bệnh nhi nhập viện đa số là từ các tỉnh, trong đó 70% phải điều trị nội trú. Đáng lo ngại nhất là những trường hợp liên quan đến bệnh nặng như tim bẩm sinh, phôi mãn tính... nếu mắc thêm sởi sẽ tiến triển nhanh và kéo dài. Trong số những bệnh nhi mắc sởi có nhiều bệnh nhi chưa đến tuổi tiêm phòng hoặc quên tiêm phòng.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa cho biết, hiện có tình trạng một số người coi thường bệnh sởi, coi nhẹ việc tiêm phòng, hoặc khi mắc sởi không thực hiện cách ly mà tiếp tục sinh hoạt, giao tiếp bình thường với người xung quanh. Một số người lại nghiêm trọng hóa căn bệnh, khi mắc sởi thì đòi nằm viện trong khi môi trường bệnh viện làm bệnh nhân bị bội nhiễm, lây chéo khiến cho dịch sởi bùng phát khó kiểm soát.
“Người dân hãy bình tĩnh khi mắc sởi, đưa bệnh nhân tới khám tại các cơ sở y tế để nắm được tình trạng bệnh. Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ, đặc biệt chú ý cách ly để tránh lây bệnh. Nếu bệnh nhân đang mắc bệnh khác rồi sau đó mắc sởi, hoặc có cơ địa đặc biệt như người già hoặc phụ nữ có thai, bệnh nhân cần được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hoa khuyến cáo.
Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, từ tháng 11 đến tháng 12/2018 vừa qua, thành phố đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, tăng cường tiêm phòng sởi, rubella cho khoảng 300.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm người dân đi lại nhiều, những người chưa tiêm chủng mắc bệnh sởi sẽ dễ lây lan ra cộng đồng, vì vậy việc tiêm bổ sung vắc xin là điều cần phải làm.
Để phòng bệnh sởi, theo các bác sĩ, tiêm vắc xin sởi là cách phòng bệnh hiệu quả nhất; trẻ em, phụ nữ chuẩn bị mang thai cần được tiêm chủng đầy đủ nhất. Với trẻ em, tiêm mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi. Với những bệnh nhân đã mắc bệnh cần cách ly để bệnh không lây lan ra cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.