Gia Lai: Để 'giữ chân' nhân viên y tế công lập

Để "giữ chân" nhân viên y tế công lập, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị lên cấp trên một số phương án như đề xuất nâng cao chính sách đãi ngộ, kiến nghị có cơ chế riêng thu hút y, bác sỹ về vùng sâu, vùng xa.

Chú thích ảnh
Làm việc tại những môi trường dễ lây nhiễm, vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn có thu nhập như với các nhân viên khác vùng thuận lợi là một trong những nguyên nhân khiến đội ngũ y, bác sỹ tuyến này nghỉ việc. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN

Thực trạng y, bác sỹ nghỉ việc ở những cơ sở y tế có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc ở tuyến y tế vùng sâu, vùng xa là điều đang được ngành chuyên môn cả nước quan tâm. Đặc biệt, lượng cán bộ này nghỉ việc ở các bệnh viện công để đầu quân cho bệnh viện tư đang ngày càng nhiều. Để "giữ chân" nhân viên y tế công lập, ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị lên cấp trên một số phương án như đề xuất nâng cao chính sách đãi ngộ, kiến nghị có cơ chế riêng thu hút y, bác sỹ về vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, trong khi chờ cơ chế thay đổi thì nhân lực ngành y ngày càng vơi dần gây không ít khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh tại địa phương.

Tham khảo một số ý kiến chuyên gia cho rằng, có hay chăng việc nên bỏ biên chế ngành y và cần rút ngắn khoảng cách giữa bệnh viện công-tư để đội ngũ y, bác sỹ có môi trường hành nghề đa dạng, linh hoạt hơn, đảm bảo nguồn thu nhập chính đáng từ nghề dù đó là y tế công lập hay tư nhân.

Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp

Sở Y tế tỉnh Gia Lai đã có đánh giá toàn diện về tình hình viên chức y tế bỏ việc, xin thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập từ đầu năm 2021 tới tháng 6/2022. Theo đó, cán bộ y tế nghỉ việc, trong đó có người thôi việc (18 bác sỹ); kỷ luật buộc thôi việc 11 người (10 bác sỹ); tinh giản biên chế 19 người (1 bác sỹ). Tính riêng 6 tháng đầu năm 2022, có 19 cán bộ y tế nghỉ việc, trong đó, thôi việc 14 người (4 bác sỹ); tinh giản biên chế 3 người (1 bác sỹ); kỷ luật buộc thôi việc 2 người. Trong khi đó, toàn tỉnh còn thiếu 425 lao động so với số biên chế được giao.

Đơn cử, tại Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh Gia Lai, trong năm 2021 đã có 3 bác sỹ nghỉ việc để chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư. Bác sỹ Mai Minh Hiền, Giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện đã có 3 viên chức bị bệnh lao nghề nghiệp, trong đó 1 viên chức trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, 2 viên chức gián tiếp. Qua đó cho thấy không phải khi làm việc dưới khoa, phòng nơi y, bác sỹ trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân mới dễ mắc lao mà khả năng mắc lao trong môi trường bệnh viện là như nhau.

Theo bác sỹ Mai Minh Hiền, bệnh viện đã nhiều lần kiến nghị Sở Y tế và UBND tỉnh Gia Lai có chính sách hỗ trợ riêng đối với nhân viên y tế làm việc trong môi trường dễ lây nhiễm, ví dụ tăng 100% lương cơ bản cho tất cả cán bộ, viên chức làm việc trong môi trường bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi. Đồng thời, các cấp liên quan cũng cần có cơ chế thu hút và "giữ chân" nguồn y, bác sỹ chuyên môn, từ đó đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ các chương tình phòng, chống lao tại bệnh viện cũng như các tuyến y tế cơ sở, hướng đến chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030. Tuy nhiên, rất nhiều năm, những kiến nghị này vẫn chưa có câu trả lời.

Ông Nguyễn Quyết Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Trung tâm Y tế huyện K'bang, Gia Lai cũng cho hay, trong năm 2022, đơn vị đã tuyển được 26 cán bộ, viên chức. Tuy nhiên, hai trường hợp không nhận công tác vì họ được bố trí về xã Kon Pne và Đăk Rong địa bàn xa, vất vả. Đây cũng là thực trạng chung dẫn đến việc thiếu y, bác sỹ tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.

Theo nhận định của Sở Y tế tỉnh Gia Lai, có 7 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó tập trung vào các nguyên nhân: thu nhập thấp, áp lực công việc cao; môi trường làm việc chưa an toàn, thiếu trang thiết bị trong chẩn đoán, điều trị; cơ hội được đào tạo, trau dồi, nâng cao tay nghề còn hạn chế. Để có chứng chỉ hành nghề, các bác sỹ cần có ít nhất 7,5 năm học tập, thực hành y khoa, với chi phí cao hơn các ngành khác. Nhưng thực tế, ngành y tế công lập trả lương bác sỹ ra trường bằng bậc lương cử nhân. Điều này là một bất cập về chế độ, chính sách mà ngành Y tế cần lưu ý để có cơ chế thu hút y, bác sỹ tại cơ sở y tế công lập. Cùng với đó, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh các cơ sở y tế công đang áp dụng hiện nay theo Thông tư 37/2015 do Bộ Y tế ban hành. Sau nhiều lần Thông tư được điều chỉnh, sửa đổi, nhưng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn giữ nguyên.

Ông Lý Minh Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, tại cơ sở y tế công lập, nguồn thu chính từ khám chữa bệnh chiếm 94%. Trong số đó, nguồn từ bảo hiểm y tế chiếm đa số, khoảng 90%. Như vậy, cái vướng của tự chủ ngành Y tế  Gia Lai là cơ cấu giá dịch vụ khám, chữa bệnh chưa đảm bảo, giá dịch vụ đầu vào thấp, sẽ ảnh hưởng nguồn thu của các đơn vị đó.

Ở góc độ quản lý, theo ông Lý Minh Thái, thời gian tới, tỉnh Gia Lai cần có nhiều giải pháp thu hút và "giữ chân" đội ngũ nhân lực ngành Y tế. Cụ thể là cần có cơ chế tuyển dụng đặc thù, thay đổi các chế độ lương, phụ cấp trực, chống dịch,… Gia Lai cũng phải có chính sách hỗ trợ đặc thù cho đội ngũ y, bác sỹ, nhân viên y tế vùng sâu, vùng xa để họ có thể yên tâm công tác. Đối với đội ngũ nhân lực mới ra trường, ngành Y tế địa phương cần phải đa dạng hóa đào tạo để khi bác sỹ về nhận nhiệm vụ sẽ tự tin hơn; bố trí vị trí làm việc phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ để họ phát triển, cống hiến hết khả năng chuyên môn.

Kéo gần khoảng cách y tế công lập - tư nhân

Tại tỉnh Gia Lai, ngoài Bệnh viện Đại học Y dược - Hoàng Anh Gia Lai là bệnh viện đa khoa tư nhân đang vận hành thì còn có Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai cũng đang hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất để đi vào hoạt động năm 2023 nhằm tạo nhiều sự lựa chọn dịch vụ khám, chữa bệnh hơn cho người dân tại phố núi và các vùng lân cận.

Theo ông Phạm Văn Học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, Tổng Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc ở Việt Nam có 2 điều cơ quan chuyên môn cần quan tâm. Thứ nhất là liên quan đến giá viện phí cùng cơ chế cho các bệnh viện công có điều kiện mở rộng dịch vụ và thu các khoản thu hợp pháp từ dịch vụ, lấy phần thu đó để bù đắp cho người lao động. Thứ hai về biện pháp lâu dài là bỏ biên chế, để người lao động được tự do, linh hoạt hợp đồng với nhiều cơ sở y tế, tránh lãng phí nguồn nhân lực y tế.

Ông Phạm Văn Học nhận định, nguyên nhân khiến y, bác sỹ nghỉ việc đầu tiên là do thu nhập. Tại các bệnh viện công lập, do thu nhập của nhân viên y tế bị đóng trần, không có cơ hội cống hiến hết khả năng, không có sự cạnh tranh vì nếu cùng một chức vụ, ngạch bậc có làm ít hay nhiều, làm tốt hay kém thì bậc lương cũng như nhau trong khi chuyên môn của mỗi người cao, thấp khác nhau. Để phá bỏ được rào cản này, ngành Y tế cần thay đổi từ khâu tổ chức và các quy định khác liên quan đến thu nhập của nhân viên y tế chứ không chỉ riêng tiền lương.

Ông Phạm Văn Học kiến nghị, Nhà nước chỉ nên quy định giá viện phí đối với những dịch vụ y tế thiết yếu trong khu vực y tế công lập để đảm bảo được dịch vụ y tế thiết yếu cho người nghèo. Ngoài ra, trong bệnh viện công cần phải mở thêm dịch vụ mở rộng, xã hội hóa dịch vụ mở rộng này như các tuyến bệnh viện tư nhân. Đồng thời, giá viện phí không nên áp trần, tạo cơ hội cho các cơ sở y tế công lập có thể tổ chức những mô hình gần như kinh doanh ở trong bệnh viện để người lao động có cơ hội được làm những điều họ mong muốn, từ đó họ được đáp trả bằng chính thu nhập hợp pháp từ phần mở rộng đó.

Để có biện pháp dài hơi "giữ chân" nhân viên y tế công lập, ông Phạm Văn Học cho rằng cần thiết xóa bỏ biên chế chuyển sang hình thức hợp đồng lao động, để một bác sỹ có thể làm được nhiều việc trong môi trường y tế công lập. Ví dụ một bác sỹ có thể hợp đồng mổ mắt phaco cho nhiều tuyến bệnh viện huyện, thị xã, thành phố vì nhu cầu mổ mắt phaco không nhiều; trong khi đó, nếu không cho hợp đồng thì mỗi trung tâm y tế công tuyến huyện sẽ có một bác sỹ biên chế mổ mắt phaco, như vậy sẽ rất lãng phí nhân lực. Cả tỉnh Gia Lai khoảng 17 huyện, thị, thành phố thì chỉ nên cần có khoảng 4-5 bác sỹ mổ mắt là đủ nếu họ được hợp đồng với các bệnh viện khác. Tương tự một số chuyên ngành ít nhu cầu khám, chữa bệnh cũng thế, nhưng hiện nay vì hàng rào biên chế nên bác sỹ ở huyện nào thì chỉ được làm việc ở huyện đó mặc dù rất ít bệnh nhân.

Cùng quan điểm ngành Y tế phải có những thay đổi cơ chế phù hợp với tình hình phát triển hiện tại của đất nước, dù đã nghỉ hưu gần 10 năm nhưng thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hữu Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vẫn luôn trăn trở về những bất cập của ngành Y tế. Ông Nam cho rằng, trong khi chờ những vấn đề về cơ chế vĩ mô của ngành Y tế cả nước được tháo gỡ dần, tỉnh Gia Lai cần có chính sách đãi ngộ, thu hút phù hợp, cải thiện điều kiện làm việc đối với cán bộ y tế công lập, để họ yên tâm công tác, cống hiến. Bản thân các cơ sở y tế công lập cũng cần có sự đổi mới vận hành, nâng cao cung cách phục vụ, chăm sóc để thu hút bệnh nhân, từ đó tăng tính tự chủ nhờ gia tăng nguồn thu.

Ông Ksor Phước, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho biết, đã liên tục qua nhiều nhiệm kỳ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề chế độ, chính sách và lương cho cán bộ, công nhân viên chức trong toàn hệ thống chính trị theo hướng ngày càng nâng cao hơn. Ông Ksor Phước cho rằng đầu tư, chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Ông tin tưởng rằng, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành Y tế.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Nhân viên y tế công lập nghỉ việc đều có thâm niên, kinh nghiệm
TP Hồ Chí Minh: Nhân viên y tế công lập nghỉ việc đều có thâm niên, kinh nghiệm

Chiều 11/8, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tuy tổng số người làm việc giảm không nhiều so với năm 2021 nhưng gây khó khăn không nhỏ cho các cơ sở y tế công lập vì hầu hết người nghỉ việc là người có thâm niên và kinh nghiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN