Theo báo cáo của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Kiên Giang, từ đầu năm 2016 đến nay, đa số các bệnh truyền nhiễm đều giảm so với cùng kỳ, riêng bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp. Tính đến cuối tháng 8/2016, Kiên Giang đã có 674 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ. Số ca mắc bệnh sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp địa bàn 15/15 huyện, thị, thành phố; trong đó nhiều nhất là thành phố Rạch Giá, Kiên Hải, Phú Quốc, An Biên, Giồng Riềng, An Minh. Số ca sốt xuất huyết đã vượt đường trung bình chuẩn, nghĩa là có nguy cơ bùng dịch nếu như không có biện pháp can thiệp kịp thời. Riêng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị trên 400 trường hợp sốt xuất huyết; trong đó nhiều trường hợp sốt nặng nhưng đã được cứu chữa kịp thời.
Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. |
Anh Trần Văn Khoa, ngụ xã An Sơn, huyện Kiên Hải, cho biết sau khi phát hiện con bị sốt, nhức đầu, liền đưa con đến trạm y tế xã. Tại đây, các y bác sĩ cho biết con anh bị sốt xuất huyết và chuyển vào đất liền để điều trị. Nhờ chuyển kịp thời từ xã đảo vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang nên sau 5 ngày điều trị, con anh gần khỏi bệnh và chuẩn bị xuất viện.
Để kịp thời cứu chữa cho bệnh nhi trong thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang đã chuẩn bị đủ cơ số thuốc, trang thiết bị vật chất, nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết và những bệnh dịch khác trên địa bàn. Riêng trên địa bàn thành phố Rạch Giá, từ đầu năm đến nay diễn biến bệnh sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, với hơn 100 trường hợp. Theo khảo sát, số ca sốt xuất huyết xảy ra tại 12 ổ dịch, đặc biệt có một trường hợp bệnh nhi tử vong vào trung tuần tháng 8/2016.
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Khoa cấp cứu nhi Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang. |
Theo bác sĩ Trần Văn Hội, Phó Giám đốc Trung tâm y tế thành phố Rạch Giá, hiện nhiều ngôi nhà ở thành phố còn ẩm thấp, vệ sinh môi trường kém, trong khi đang vào mùa mưa nên muỗi dễ dàng sinh sôi nảy nở. Bên cạnh đó, ý thức của người dân trong phòng, chống sốt xuất huyết chưa cao, nên nhiều ca bệnh phát sinh.
Để chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế Kiên Giang đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho mọi người, mọi nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng, thường xuyên cho trẻ ngủ mùng để phòng muỗi đốt. Đội ngũ cộng tác viên các địa phương trong tỉnh tích cực đi đến từng nhà tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Lê Văn Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang cho biết, từ đầu năm đến cuối tháng 8/2016, các trung tâm y tế dự phòng trong tỉnh đã phát hiện và xử lý 75 ổ bệnh sốt xuất huyết; tổ chức phun hóa chất trên diện rộng các địa bàn trọng điểm. Qua đó, các bệnh truyền nhiễm cũng như sốt xuất huyết đã được kiểm soát. Để bệnh sốt xuất huyết không xảy ra trên diện rộng, ngành y tế đã có công văn chỉ đạo các huyện, thị, thành phố và có kế hoạch chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh phối hợp với các bệnh viện giám sát chặt chẽ các ca bệnh sốt xuất huyết; khám sàng lọc, khẩn trương tiến hành xử lý nhằm hạn chế thấp nhất tử vong và nguy cơ bùng phát dịch.
Từ đầu năm 2016, ngành y tế Kiên Giang đã chủ động các biện pháp phòng bệnh tại 15/15 huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Theo đó, ngành phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phát động diệt muỗi, lăng quăng; đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng như truyền thông, giám sát hộ gia đình; xử lý ổ bệnh và dập bệnh trên diện rộng. |