Từ đầu năm đến nay, tại Hà Nội ghi nhận 16 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trên tổng số gần 4.000 ca bệnh ở 57 tỉnh, thành phố trong cả nước, song nguy cơ bùng phát bệnh vẫn ở mức cao nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống kịp thời do thời tiết mùa xuân hè nóng ẩm, mưa nhiều.
Phát biểu tại lễ phát động, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết: Trên địa bàn thành phố hiện có hơn 1.000 trường mầm non, ngoài ra còn có nhiều nhóm trẻ gia đình, nếu làm tốt công tác phòng, chống bệnh sẽ hạn chế khả năng bùng phát dịch.
Để chiến dịch ‘‘Vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng’’ triển khai có hiệu quả, Sở Y tế đề nghị Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai đồng loạt chiến dịch vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh tay chân miệng ở tất cả các trường mầm non và các lớp, nhóm trẻ gia đình, khuyến khích tổ chức chiến dịch ở các trường tiểu học. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch cho cộng đồng, nhất là tuyên truyền cho các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho trẻ theo 6 khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cụ thể là vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải rửa sạch trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống, đồ chơi chưa được khử trùng.
Bên cạnh đó, làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác; cách ly, điều trị kịp thời khi phát bệnh ca bệnh.
Sau lễ phát động, Sở Y tế đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm y tế của 30 quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố tổ chức chiến dịch ‘‘Vệ sinh môi trường, khử khuẩn chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng’’ cho tất cả các trường mầm non, mẫu giáo, kể cả các lớp, nhóm trẻ gia đình trên địa bàn.