Hội nghị thu hút trên 350 đại biểu là các bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ và các chuyên gia hàng đầu về bệnh lý loãng xương trong và ngoài nước tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Anh Thư, Chủ tịch Hội Loãng xương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm thông báo, cập nhật các thành tựu và xu hướng mới, các nghiên cứu mới, thảo luận các giải pháp về các vấn đề liên quan đến bệnh lý loãng xương để điều trị, nâng cao khả năng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Bác sĩ Lê Anh Thư, loãng xương là bệnh chưa được quan tâm đúng mức vì diễn tiến bệnh âm thầm, người bệnh thường không có triệu chứng cơ năng rõ ràng nên không biết bị bệnh cho đến khi bị gẫy xương, biến cố nặng nề nhất của bệnh. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 3,6 triệu người bị loãng xương, trong đó có 2,7 triệu người là nữ giới và khoảng 900.000 người là nam giới.
Gẫy xương là một gánh nặng về kinh tế - xã hội vì người bị gẫy xương do loãng xương có nguy cơ tử vong cao và gia tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. Theo thống kê, có gần 25% bệnh nhân bị gẫy xương đùi sẽ tử vong trong vòng 12 tháng sau biến cố gẫy xương vì vậy biến cố gẫy xương do loãng xương được coi là nặng nề tương đương với đột quy và nhồi máu cơ tim trong các bệnh lý tim mạch.
Sau gẫy xương, người bệnh còn bị đau đớn kéo dài, giảm chất lượng cuộc sống, mất khả năng lao động và vận động, sống phụ thuộc và tàn phế, gia tăng nguy cơ tái gẫy xương; chính vì thế chi phí điều trị loãng xương và gẫy xương càng ngày càng tăng cao, gây nên gánh nặng kinh tế rất lớn cho gia đình và toàn xã hội.
Bệnh loãng xương tuy gia tăng, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe con người nhưng có thể phòng ngừa, thực hiện chẩn đoán sớm với các biện pháp can thiệp điều trị hữu hiệu để giảm tối đa nguy cơ gẫy xương, biến chứng nặng nhất của bệnh.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trình bày và thảo luận hơn 20 báo cáo chuyên đề liên quan đến bệnh lý loãng xương gồm: Loãng xương, gãy xương, hệ quả và các giải pháp can thiệp; giải pháp điều trị loãng xương; kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân loãng xương; điều trị bệnh loãng xương liên quan đến các bệnh lý khác nhau như bệnh lý đái tháo đường, bệnh thận mạn, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp; điều trị loãng xương trên bệnh nhân cao tuổi đã bị gẫy xương...
Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hằng ngày để phòng ngừa và điều trị bệnh loãng xương nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt canxi, theo Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Thị Minh Hạnh (Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn), loãng xương hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý ở mọi độ tuổi. Trong đó, chú trọng dùng đủ protein, canxi, vitamin D có trong sữa và sản phẩm từ sữa, rau và trái cây chứa đa dạng các dưỡng chất và các hợp chất có hoạt tính sinh học có ích cho mô xương; đồng thời kết hợp thường xuyên hoạt động thể lực tăng cường sức mạnh hệ cơ xương khớp; thực hành các biện pháp phòng tránh té ngã; thay đổi lối sống lành mạnh.
Các chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị đối với các bệnh nhân đã bị gẫy xương cần được điều trị, tiếp tục theo dõi để phòng ngừa tái gẫy xương.
Cũng trong hội nghị lần này, các chuyên gia đầu ngành đã giới thiệu các ứng dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh lý loãng xương. Đây được xem là niềm hy vọng mới trong điều trị các bệnh lý loãng xương cho bệnh nhân.
Trải qua 14 lần tổ chức, Hội Loãng xương Thành phố Hồ Chí Minh đã có những đóng góp không nhỏ trong việc cập nhật các nghiên cứu mới cũng như các phương pháp điều trị tiên tiến về các bệnh lý loãng xương. Hằng năm, Hội thường xuyên triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành xương khớp nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân.