Theo Ths.BS Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đánh giá, ngành công nghiệp thuốc lá được coi là một “trung gian truyền bệnh ở quy mô toàn cầu” khi thuốc lá đã được chứng minh gây ra những ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Ngành công nghiệp thuốc lá có nhiều “chiêu trò” để cản trở việc đề xuất cấm thuốc lá mới như: Mua chuộc ngầm hoặc công khai các quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; thổi phồng về vai trò kinh tế của ngành công nghiệp thuốc lá; bóp méo các luống ý kiến công chúng nhằm tạo hình ảnh doanh nghiệp tốt; dựng lên các nhóm bề mặt để gây ảnh hưởng; tìm cách làm giảm giá trị các bằng chứng nghiên cứu; tìm cách hăm dọa các chính phủ bằng các vụ kiện thương mại ở cấp quốc tế...
Theo đó, ngành công nghiệp thuốc lá sử dụng các hoạt động tài trợ và danh nghĩa khoa học để đánh bóng hình ảnh và gây ảnh hưởng; đôi khi là những cái tên rất trá hình như “Thế giới không khói thuốc” tài trợ các nghiên cứu về phòng chống tác hại thuốc lá tuy nhiên lại do chính công ty thuốc lá tài trợ. Họ tìm cách nới lỏng việc kiểm soát sản phẩm thuốc lá mới; tấn công các tổ chức lớn có quan điểm khách quan…
Tại Điều 5.3 trong Công ước khung WHO FCTC là khi ban hành và thực thi các chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá, các bên Công ước sẽ hành động để bảo vệ các chính sách này khỏi sự can thiệp bởi các lợi ích thương mại và các lợi ích riêng khác của ngành công nghiệp thuốc lá, phù hợp với luật pháp quốc gia.
“Bộ Y tế đã có những phản ứng rất tốt, rất kịp thời với việc ngăn chặn tác hại của thuốc lá mới, quyết tâm bảo vệ sức khỏe, bảo vệ con người” Ths.BS. Nguyễn Tuấn Lâm đánh giá.
Theo các chuyên gia, mục tiêu của điều 5.3 WHO FCTC là bảo vệ chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá khỏi những ảnh hưởng tiêu cực do tác động từ lợi ích thương mại và lợi ích riêng của ngành công nghiệp thuốc lá. Chính sách y tế công cộng về kiểm soát thuốc lá bao gồm chính sách, chương trình và chiến lược liên quan đến các điều được quy định trong WHO FCTC ở nhiều lĩnh vực như: Nông nghiệp, văn hoá, giáo dục, môi trường, tài chính, thực phẩm và thuốc…
Về những bằng chứng cho thấy thuốc lá mới không hề giảm hại như ngành công nghiệp thuốc lá đưa ra, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết: “Thuốc lá nung nóng không có tác dụng giảm hại hay cai nghiện như ngành công nghiệp thuốc lá tuyên bố. Các tập đoàn thuốc lá thường truyền thông họ là các công ty có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng thay vì khuyên mọi người bỏ thuốc thì họ thường xuyên đưa ra thông điệp để khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn hoặc dùng loại thuốc lá thông thường hay dùng thuốc lá điện tử/thuốc lá nung nóng. Họ đưa ra hướng tiếp cận giảm tác hại của thuốc lá điếu thông thường bằng việc sử dụng thuốc lá nung nóng. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc lá điều gây hại đối với sức khỏe”.
Tại Việt Nam, qua tổng hợp, báo cáo của gần 700 cơ sở khám, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; trong đó nhiều người đã nhập viện ngay từ lần đầu tiên sử dụng. Triệu chứng khi sử dụng các sản phẩm này là do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp.
Đáng lo ngại, các nghiên cứu gần đây cho thấy, thực trạng sử dụng thuốc lá mới chủ yếu là trong giới trẻ. Chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023). Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử cũng cao ở nhóm tuổi từ 15-24 tuổi (7,3%).
“Do tác hại nghiêm trọng của các sản phẩm thuốc lá mới tới sức khỏe, đặc biệt là thế hệ trẻ; chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng trước khi quá muộn”, ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết.