Những bệnh thường gặp mùa nắng nóng
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin Tức, trung bình mỗi ngày bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận gần 7.000 lượt trẻ đến khám và điều trị. Trong đó, các loại bệnh trẻ mắc phải do mùa nắng nóng đang có xu hướng gia tăng. Tương tự tại bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi ngày cũng có gần 5.000 trẻ tới khám bệnh.
Vào thời điểm nắng nóng, trẻ dễ mắc bệnh là do mất nước hay nhiễm siêu vi. Siêu vi là những loại vi rút gây bệnh như siêu vi hợp bào gây bệnh viêm đường hô hấp, siêu vi quai bị, thủy đậu, siêu vi gây bệnh cảnh tiêu chảy hoặc ói cấp tính. Ngoài ra, có nhiều loại siêu vi gây bệnh thành dịch như cúm, bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, dịch đau mắt đỏ, dịch tiêu chảy...
Có nhiều loại siêu vi gây bệnh ở đường hô hấp và đường tiêu hóa, khi xâm nhập vào cơ thể trẻ có thể biến chứng sinh một số bệnh khác nhau viêm hầu, họng, thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm trùng tiêu hóa...
Vào mùa nắng nóng trẻ thường dễ mắc phải những bệnh do vi rút và siêu vi gây ra. |
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết dẫn đầu căn bệnh trẻ thường gặp trong mùa nắng nóng là bệnh hô hấp, sau đó là bệnh tiêu hóa. Các bệnh tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết... cũng đang gia tăng nhanh và chuẩn bị vào mùa cao điểm. Cụ thể trung bình mỗi ngày tại khoa Hô hấp khám và điều trị cho khoảng 200 ca, tại khoa Tiêu hóa tiếp nhận 150 ca/ngày, còn tại khoa Nhiễm trung bình cũng tiếp nhận khoảng 120 ca tới khám và điều trị mỗi ngày.
Theo các bác sĩ, ngoài việc trẻ mắc các nhóm bệnh mùa nóng như hô hấp, tiêu hóa, tay chân miệng, sốt xuất huyết… thì trẻ cũng thường bị nổi sảy, ngứa, khó ngủ do các tuyến mồ hôi tăng tiết nhiều. Các tuyến mồ hôi tăng nhiều khiến cho vi trùng phát triển mạnh trên bề mặt da. Tụ cầu khuẩn có thể gây viêm da, mẩn đỏ, trẻ ngứa ngáy khó chịu gãi dẫn đến nhiễm trùng, mụn mủ lan rộng ra. Nếu ở giai đoạn viêm mô tế bào, vùng da sưng đỏ tấy thì cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ gây nhiễm trùng huyết, tử vong nhanh. Khuẩn tụ cầu đa số kháng thuốc nên rất khó khống chế.
Tăng đề kháng phòng ngừa bệnh
Theo các bác sĩ dinh dưỡng, quan trọng nhất là tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cung cấp đầy đủ nước và bổ sung chất dinh dưỡng. Theo đó, ngoài nước lọc thì sữa cũng chính là nước. Tuy nhiên, các loại nước trái cây chỉ nên dùng khi trẻ trên 2 tuổi vì độ ngọt có thể làm trẻ no giả và bỏ ăn, bỏ bú. Cho trẻ ăn đủ chất đạm, trái cây hàng ngày... Việc cho trẻ tập thể dục, ngủ sớm hàng ngày cũng giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Khi đưa con đi bơi, phụ huynh không nên chọn hồ bơi có quá đông trẻ. Ảnh: CTV |
Khi trời nóng trẻ có khuynh hướng đến gần quạt hơn hay thích nằm ngủ với máy lạnh nhiệt độ thấp, uống nước thật lạnh do đó dễ mắc bệnh hơn. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết không nên để máy lạnh 24/24, khi sử dụng máy lạnh nên chú ý độ ẩm trong phòng, độ ẩm tốt nhất là 40 - 60%. Khi thời tiết thuận lợi thì nên mở cửa, tắt máy lạnh để cho không khí lưu thông. Bên cạnh đó, máy lạnh phải vệ sinh định kỳ vì bụi trong máy lạnh chứa nhiều tác nhân gây bệnh và gây dự ứng nguồn hô hấp.
Bên cạnh đó, bác sĩ Đặng Thị Kim Huyên, Trưởng khoa Khám bệnh, bệnh viện Nhi Đồng 2 lưu ý, khi trời nóng cha mẹ nên chú ý đến sự chênh lệch nhiệt độ giữa bên trong phòng máy lạnh và bên ngoài. Tránh làm da cơ thể không kịp thích ứng sẽ bị sốc và sụt giảm sức đề kháng.
Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Thị Thanh, bệnh viện Nhi Đồng 2, biện pháp phòng tránh đơn giản nhất là thường xuyên dạy cho trẻ rửa tay đúng cách; mặc thoáng mát, đội mũ khi ra ngoài. Đối với trẻ nhỏ, lưu ý tránh đi chỗ nắng nóng nhiều và chỗ đông người; cho trẻ bú sữa mẹ nhiều nếu được vì trong sữa mẹ có rất nhiều kháng thể.
Ngoài sữa, nên ăn dặm đúng thời điểm từ 6 tháng, nhằm cung cấp đầy đủ những dưỡng chất và vitamin cần thiết cho sự phát triển của trẻ, thúc đẩy hệ miễn dịch của cơ thể. Khi bé hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, mát xa lưng và tay chân trẻ bằng ít dầu khuynh diệp để kích thích máu huyết lưu thông, tăng cường miễn dịch.
"Khi trẻ bị bệnh, sau vài ngày sốt cao trẻ có thể phát ban phụ huynh không nên ủ kín thân thể trẻ, vẫn có thể tắm rửa bình thường và giữ cho da trẻ thông thoáng sạch sẽ, vì nếu không trẻ ngứa ngáy, có thể gãi làm trầy sướt và dễ nhiễm trùng da. Lập tức đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu trẻ có những dấu hiệu sau sốt cao dọa co giật; khò khè, khó thở; li bì; nôn ói tất cả kể cả nước, trẻ tiêu chảy nhiều không cầm. Đặc biệt, không nên tự ý dùng thuốc nhất là thuốc kháng sinh", bác sĩ Nguyễn Thị Thanh lưu ý thêm.
Ngoài ra, vào những ngày nắng nóng, phụ huynh thường có xu hướng đưa trẻ đến các hồ bơi. Do đó, các bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, phụ huynh nên nên chọn hồ bơi có kiểm định của Trung tâm Y tế dự phòng về an toàn và vệ sinh. Khi chọn hồ bơi nên chọn hồ bơi không quá đông trẻ. Khi bơi nên trang bị đủ mắt kính, nút bịt tai. Sau bơi, nên tắm lại bằng nước sạch và xà phòng ngay, nhỏ mũi, mắt bằng nước muối sinh lý. Không ngoáy tai liền vì sẽ làm xây sát tai.