Phát biểu tại cuộc họp báo về chính sách ngày 13/5, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng trong khi bảo vệ sức khỏe thể chất là mối quan tâm chính trong những tháng đầu của dịch COVID-19 và những căng thẳng tinh thần mà phần lớn người dân thế giới phải chịu đựng cũng là một hệ lụy lâu dài của dịch này. Ông cho rằng "ngay cả khi đại dịch được kiểm soát, sự đau khổ, nỗi lo lắng và trầm cảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới người dân và cộng đồng".
Theo LHQ, những căng thẳng tinh thần mà con người phải chịu đựng là nỗi lo rằng họ hoặc người thân sẽ bị nhiễm hoặc qua đời do SARS-CoV-2 - virus đã khiến gần 300.000 người tử vong trên toàn thế giới kể từ khi xuất hiện tại Trung Quốc hồi cuối năm ngoái. Tác động tâm lý cũng ảnh hưởng tới phần lớn những người đã mất hoặc có nguy cơ mất sinh kế, bị chia tách với người thân hoặc buộc phải tuân thủ các lệnh phong tỏa.
Bà Devora Kestel - Giám đốc Bộ phận Sức khỏe tâm thần thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng các nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu chống dịch, làm việc với áp lực lớn, là nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương về sức khỏe tâm thần. Nhiều nhóm khác cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về tâm lý do COVID-19, chẳng hạn như học sinh, phụ nữ, người lớn tuổi, người có bệnh lý nền và cả những người đã có sẵn vấn đề về tâm lý...
Một loạt nghiên cứu của nhiều nước cũng cho thấy tình trạng căng thẳng thần kinh đang gia tăng nhanh chóng. Chẳng hạn một nghiên cứu được thực hiện ở vùng Amhara ở Ethiopia cho thấy 33% dân số ở đây có các triệu chứng liên quan tới trầm cảm, tăng 3 lần so với thời điểm trước dịch. Tỷ lệ này ở Iran và Mỹ lần lượt là 60% và 45%. Gần một nửa số nhân viên y tế Canada cũng cho biết họ cần được hỗ trợ về tâm lý.
LHQ cũng kêu gọi các nước tăng đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần. Trước khủng hoảng COVID-19, các nước chỉ dành trung bình 2% ngân sách y tế công cho lĩnh vực này.