Theo báo cáo mới nhất của UNICEF về tình hình sức khỏe tâm thần trong trẻ em và thanh niên độ tuổi từ 14 đến 18, tại Việt Nam, tỷ lệ trung bình mắc các rối loạn tâm thần của nhóm này là 12%, phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, cô đơn và tăng động giảm chú ý.
Như vậy, ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết; một bộ phận còn lại tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá và ma túy để “tự chữa”, xoa dịu các triệu chứng của rối loạn tâm thần.
Tuy nhiên, điều này không những không giúp ích trong việc điều trị các rối loạn tâm thần mà còn làm tăng nguy cơ lạm dụng, dẫn đến phụ thuộc và nghiện.
Theo chị Nguyễn Thùy Linh, quản lý chương trình Trẻ em và Thanh niên, theo xu hướng tự nhiên, thanh thiếu niên thường tìm kiếm trải nghiệm mới, thực hiện những hành động có tính “rủi ro” cao và thể hiện cái tôi cá nhân. Hầu hết thanh thiếu niên sử dụng ma túy ban đầu chỉ với mục đích thử nghiệm và ngưng sử dụng sau một thời gian, nhưng có một bộ phận sẽ có nguy cơ cao hơn với việc lạm dụng và nghiện ma túy do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như cảm thấy dễ chịu, giải tỏa lo âu, căng thẳng, thích thử cái mới. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng ma túy ở thanh thiếu niên như sức ép của việc khẳng định bản thân và thuộc về nhóm bạn bè, bị bạo hành, bị lạm dụng, bố mẹ ly hôn, cuộc sống quá cơ cực ….
Theo Tổ chức Y tế thế giới, một nửa các bệnh lý về tâm thần khởi phát ở độ tuổi 14, nhưng phần lớn đều không được phát hiện hay điều trị. Trầm cảm là rối loạn tâm thần phổ biến thứ ba trong thanh thiếu niên. Tự sát là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trong nhóm độ tuổi từ 15 đến 29 tuổi.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, nếu những căng thẳng không được nhận biết và xử trí kịp thời, rất có thể sẽ dẫn đến rối loạn sức khỏe tâm thần. Sự áp dụng ngày càng phổ biến của công nghệ thông tin, bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận cũng sẽ mang tới nhiều áp lực về việc phải kết nối liên tục “ngày và đêm”, cũng khiến những thanh thiếu niên sống trong điều kiện như vậy dễ bị tổn thương trước các căng thẳng tâm trí và mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần.
Các ý kiến cũng cho rằng, có rất nhiều việc có thể làm giúp xây dựng tính dẻo dai về tinh thần cho trẻ em và thiếu niên để phòng chống các căng thẳng và bệnh lý về tâm thần cho các em, cũng như để xử trí và phục hồi sau khi mắc các bệnh về tâm thần. Cha mẹ và thầy cô giáo có thể giúp trang bị các kĩ năng sống cho trẻ em và thiếu niên để các em có thể tự xoay sở được với những thách thức tại trường học và gia đình. Các trường học hoặc các cơ sở cộng đồng khác có thể hỗ trợ tâm lý, đồng thời việc nâng cao hoặc mở rộng đào tạo năng lực cho nhân viên y tế để họ có thể phát hiện và xử trí các rối loạn sức khỏe tâm thần.