Khám, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ tại Viện Dinh dưỡng. Ảnh: BN |
Cần đa dạng thực phẩm và hình thức chế biến
Trong lúc chờ đến lượt đưa bé Nguyễn Gia Huy vào khám dinh dưỡng, chị Nguyễn Thu Trang, Hai Bà Trưng, Hà Nội, rầu rầu chia sẻ: "Dù tôi đã tìm hiểu trên mạng, ai mách chỗ nào là lại đưa con đi khám, uống đủ kiểu men vi sinh mà con vẫn lười ăn. Giờ bé 2 tuổi mà còi cọc, chưa được nổi 9,5 kg, nhìn con mà cả thắt ruột gan".
Trao đổi về chế độ ăn cho bé Huy, chị Trang cho biết, chị thường chủ động đi chợ, thay đổi món cho bé. Tuy nhiên, dù mẹ hay bà cho ăn thì bé Huy đều không hợp tác, thậm chí gia đình còn sắm hẳn Ipad để cu cậu xem quảng cáo trong lúc ăn mà cũng không ăn thua.
Vậy nên, những lúc cho con ăn là những lúc chị Trang vô cùng căng thẳng. Bé Huy không chỉ mím chặt môi, lấy tay bịt miệng để tránh thìa cháo của mẹ mà còn ngậm rồi phun tứ tung. Cũng đôi lần chị Trang mặc kệ, để con qua bữa nhưng dường như bé Huy chẳng hề đói, cậu chàng vẫn không ăn mặc kệ người mẹ stress, đôi khi phát bực và quát loạn nhà.
Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, trường hợp "người giàu cũng khóc" vì con cái biếng ăn như mẹ con chị Thu Trang là chuyện thường ngày tại các phòng khám. Mà trẻ đã biếng ăn thì ngày hè lại càng thêm lười ăn.
"Thời tiết nóng nực cộng với đây là thời điểm các cháu được nghỉ nên những ngày hè, số trẻ đến khám, tư vấn biếng ăn, suy dinh dưỡng thường tăng cao đột biến", TS. BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện dinh dưỡng, cho biết.
Theo TS.BS Phan Bích Nga, một phần nguyên nhân do nhiều gia đình vẫn cho trẻ ăn theo kiểu hỗn hợp. Nhiều bé 13 - 14 tháng tuổi thăm khám hoàn toàn khỏe mạnh nhưng rất biếng ăn chỉ vì mẹ trường diễn cháo nấu với thịt, rau xanh khiến trẻ rất sợ, không muốn ăn. Do đó, các bậc cha mẹ cần lưu ý, không nên áp dụng ý thích, cách ăn của người lớn cho con trẻ.
Để giúp trẻ ngon miệng hơn trong những ngày hè, cần chú ý tạo không khí thoáng mát cho trẻ; những gia đình không có điều hòa thì có thể tắm 2 - 3 lần/ngày cho trẻ, giúp bé dễ chịu hơn khi ăn uống.
Đồng thời, cần tăng cường cho trẻ ăn rau củ, trái cây tươi... để bù đắp mất nước do mất mồ hôi và giúp trẻ bổ sung vitamin. Nếu trẻ ra mồ hôi quá nhiều, mẹ có thể cho bổ sung thêm oresol (chú ý pha như hướng dẫn trên bao bì).
Về chế độ ăn cần tuân thủ nguyên tắc đa đang thực phẩm gồm sữa và 4 nhóm chất cơ bản gồm: Bột đường (các loại ngũ cốc, khoai củ), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, đậu xanh, đậu đen...), nhóm chất béo (dầu, mỡ...; nhóm cung cấp vitamin và khoáng chất (canxi, sắt, kẽm, vitamin A, B, C....).
Đặc biệt, ngày hè, các mẹ càng cần phải thay đổi hình thức chế biến món ăn, có thể chế biến thực phẩm ở dạng súp, dạng nước như bún, phở... nhưng không nên quá loãng để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ.
"Khi trẻ đã biếng ăn thì nên đưa thức ăn từng chút một để trẻ đỡ ngán. Mẹ có thể cho bé ăn riêng từng loạt thực phẩm, để riêng cơm, thịt và rau. Khi trẻ chán thì cũng không nên ép và kéo dài bữa ăn cả tiếng đồng hồ như nhiều bà mẹ vẫn làm", TS.BS Phan Bích Nga chia sẻ.
Chú ý bổ sung các vi chất dinh dưỡng
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trình trạng trẻ biếng ăn cũng có nguyên nhân do trong khẩu phần ăn hằng ngày thiếu các vi chất dinh dưỡng, nhất là kẽm, sắt, canxi.... Đó là lý do vì sao, hàng năm ngành y tế luôn tổ chức Ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) để bổ sung vitamin A cho trẻ và bà mẹ mang thai. Đặc biệt, năm nay, các chuyên gia Viện Dinh dưỡng còn khuyến cáo mạnh mẽ về việc các bà mẹ cần bổ sung kẽm cho trẻ nhỏ.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, nhấn mạnh: "Thiếu kẽm gắn liền với tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, nhẹ cân. Tại Phòng khám, chúng tôi cũng gặp nhiều trẻ đến khám thiếu kẽm dẫn tới tình trạng biếng ăn, rối loạn giấc ngủ (trằn trọc, khó ngủ, ngủ không ngon giấc) vì vi chất này tham gia rất nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể".
Theo nhiều nghiên cứu, kẽm giúp tăng hấp thu, tăng tổng hợp chất đạm, phân chia tế bào, tăng cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. Thiếu kẽm sẽ làm chậm phát triển chiều cao, rối loạn phát triển xương, chậm dậy thì và giảm chức năng sinh dục.
Bên cạnh đó, kẽm hỗ trợ và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Theo một nghiên cứu tại Mỹ cũng cho thấy việc bổ sung kẽm giúp làm giảm tới 18% trường hợp mắc bệnh tiêu chảy, 41% trường hợp bị viêm phổi và làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ trên 50%.
"Cha mẹ có thể bổ sung kẽm cho trẻ bằng các chế phẩm dinh dưỡng hoặc các thực phẩm giàu kẽm như: Tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..)", Ths.BS Trần Khánh Vân, Phó trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng, cho biết.
Tuy nhiên, để biết trẻ có bị biếng ăn do thiếu kẽm hay không thì các bậc cha mẹ cần đưa bé đi làm xét nghiệm máu khi con có biểu hiện: Biếng ăn, chậm lớn, còi xương, rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, mất ngủ, ngủ không yên giấc, thức giấc nhiều lần trong đêm, khóc đêm), bị tiêu chảy, bị viêm nhiễm kéo dài...
Trong trường hợp bị thiếu kẽm, các bác sĩ dinh dưỡng sẽ có những chỉ định bổ sung vi chất phù hợp, giúp bé ăn tốt và ngủ ngon giấc hơn.