Mới đây, Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Hoa Kỳ - (National Academies of Sciences, NAS) đã xuất bản một bản báo cáo khoa học gần 400 trang, với tên gọi “Cây trồng Biến đổi gen: Trải nghiệm và Triển vọng” (Genetically Engineered Crops: Experiences and Prospects) và đưa ra kết luận: Không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm được làm từ các nguyên liệu hoặc có thành phần từ cây trồng biến đổi gen thiếu an toàn hơn so với thực phẩm không biến đổi gen.
Cây trồng biến đổi gen được khẳng định là an toàn. |
Báo cáo lần này nghiên cứu và đánh giá các ảnh hưởng về kinh tế, nông học, y học, tính an toàn cũng như các tác động khác của cây trồng và thực phẩm biến đổi gen. Trong đó, các thành viên là hơn 300 nhà khoa học từng giành giải Nobel, đã dựa trên các phân tích cụ thể của gần 900 nghiên cứu về cây trồng biến đổi gen trong suốt 30 năm qua kể từ khi công nghệ này ra đời. Một ủy ban của NAS cũng đã được thành lập với nhiệm vụ đọc và xem xét hơn 700 phản hồi từ các cá nhân và tập thể, cũng như thu thập chứng cứ xác thực từ 80 nhân chứng.
Sau quá trình đánh giá chặt chẽ về mặt khoa học, Ủy ban kết luận: dựa trên các nghiên cứu trong nhiều năm, cây trồng biến đổi gen là an toàn để sử dụng làm thực phẩm so với các cây trồng không biến đổi gen khác, đồng thời cây trồng biến đổi gen cũng không tạo ra các tác động tiêu cực nào tới môi trường, trong khi việc canh tác cây trồng này góp phần vào việc giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật cần sử dụng.
Ông Brian Baenig, Phó Chủ tịch Điều hành, Tổ chức các Tiến bộ về Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp và Thực phẩm (Food and Agriculture for the Biotechnology Innovation Organization -BIO) phát biểu: “Sau khi xem xét một cách cẩn trọng, đánh giá các lợi ích và rủi rom của thực phẩm và cây trồng biến đổi gen đã mang lại trong suốt 20 năm thương mại hóa trên thị trường, chúng tôi vui mừng công bố kết quả nghiên cứu lần này đồng nhất với các kết quản nghiên cứu mà cơ quan nghiên cứu trên toàn thế giới đã chứng minh liên tục trong suốt những năm qua, đó là: Công nghệ sinh học nông nghiệp vẫn cho thấy lợi ích mang lại cho nông dân, người tiêu dùng và môi trường.”
"Khoa học, công nghệ và kỹ thuật canh tác hiện đại (bao gồm cả kỹ thuật biến đổi gen) cần phải được nhìn nhận là một trong những công cụ giúp chúng ta trong cuộc chiến chống lại đói nghèo và nạn suy dinh dưỡng trên toàn thế giới, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu . Những đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ nông nghiệp hiện nay - và tiếp tục sau này – sẽ là điều kiện tiên quyết để tăng năng suất và hiệu quả sản xuất của nông dân, trong khi tiếp tục đảm bảo cung cấp lương thực cho thế giới một cách bền vững hơn”, ông Brian Baenig chia sẻ thêm.