Ứng dụng công nghệ sinh học vào canh tác nông nghiệp là xu hướng chung của thế giới. Theo khuyến cáo của các chuyên gia nông nghiệp, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng trong việc phát triển cây trồng công nghệ sinh học/cây biến đổi gen.
Những kết quả bước đầu
Giống ngô biến đổi gen hiện đã được trồng khảo nghiệm ở quy mô hạn chế trong một số điều kiện cụ thể của Việt Nam. Viện Di truyền nông nghiệp là một trong những đơn vị đang thực hiện trồng giống ngô biến đổi gen. GS TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã công nhận 5 đơn vị có khả năng tham gia vào trồng khảo nghiệm, đánh giá cây trồng biến đổi gen. Việc trồng khảo nghiệm được thực hiện diện hẹp 2 vụ và khảo nghiệm diện rộng 1 vụ thực hiện dưới sự giám sát của Hội đồng an toàn sinh học, Bộ NN&PTNT.
Các đại biểu tham quan mô hình khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen tại Viện Di truyền nông nghiệp Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh : Đình Huệ - TTXVN |
Qua hai năm khảo nghiệm cho thấy, giống ngô biến đổi gen phát triển không khác gì ngô không biến đổi gen về mức độ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Các số liệu trồng khảo nghiệm đã được công bố trên website của Bộ NN&PTNT để những người quan tâm tìm hiểu. Bộ NN&PTNT dự kiến thời gian tới sẽ chuyển kết quả đánh giá về trồng khảo nghiệm giống ngô biến đổi gen cho Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét và đánh giá về việc có đưa vào sản xuất trên diện rộng hay không.
Dựa trên những kết quả bước đầu về khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam, nhiều chuyên gia nông nghiệp nhận định, ngô biến đổi gen có những ưu điểm nổi bật nhờ có hai loại gen kháng thuốc diệt cỏ và gen kháng sâu đục thân. Trong đó, gen kháng sâu đục thân cho phép không cần phun thuốc mà vẫn không bị sâu đục thân phá hoại, giúp ổn định và tăng năng suất ngô, thuận lợi cho việc canh tác. Khảo nghiệm ở Vĩnh Phúc, với vụ xuân hè, cây ngô có nguy cơ sâu đục thân phá hoại rất lớn nhưng ngô biến đổi gen thì không bị ảnh hưởng, năng suất cao hơn 40 - 50%.
Làm thận trọng, theo lộ trình
Theo GS Nguyễn Lân Dũng, với quy mô dân số gần 90 triệu dân, nên nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nước ta rất lớn. Việt Nam còn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu nên việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen để tăng năng suất và sản lượng là hết sức cần thiết. Các nước có nền khoa học phát triển đã nghiên cứu rất kỹ và chúng ta có thể tin tưởng trình độ khoa học của các nước đó. Thực tế hiện nay, ngô và đậu tương chúng ta đang nhập là sản phẩm của cây trồng biến đổi gen. Nếu chúng ta trồng được thì sẽ hạn chế nhập khẩu.
“Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam”, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Tuất khẳng định. Theo ông Tuất, hiện nay ngô là cây trồng đang được Chính phủ rất quan tâm và có tiềm năng để phát triển ứng dụng CNSH.
Đến năm 2012, diện tích cây trồng CNSH/cây biến đổi gen canh tác trên toàn cầu đạt 170,3 triệu ha (tăng 10,3 triệu ha so với năm 2011). Trong số 28 nước canh tác cây trồng CNSH, năm 2012 có 20 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp phát triển. |
Thực tế, Việt Nam đang phải nhập ngày càng nhiều lúa mì, đậu nành, khô đậu nành, ngô để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Liên tục nhiều năm qua, mỗi năm ta phải nhập 2 tỷ USD những mặt hàng này, trong khi trong năm 2012 chỉ xuất khẩu nông sản trên 3,3 tỷ USD.
Theo Quyết định số 11 của Chính phủ về phê duyệt chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến năm 2020, diện tích cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của CNSH chiếm trên 70% và trong đó, diện tích trồng các giống cây trồng biến đổi gen là 30 - 50%. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình khảo nghiệm vẫn đang tiến hành thận trọng. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, khi chúng ta đã có đầy đủ cơ sở khoa học thì nên mạnh dạn phát triển cây trồng biến đổi gen theo đúng lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt.
Mạnh Minh