Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận cấp cứu 140 - 150 ca bệnh/ngày, tăng 20% gây quá tải, 90% trong số này là trường hợp xuất huyết tiêu hóa do sử dụng quá nhiều rượu. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN. |
Tình trạng ngộ độc rượu đang gia tăng và có xu hướng tăng vọt vào thời điểm trước và sau Tết với đối tượng đa dạng từ sinh viên đến người già... Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, phóng viên TTXVN đã trao đổi với bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về thực trạng ngộ độc rượu và nguyên nhân ngộ độc.
Thưa bác sỹ, nguyên nhân nào dẫn đến các ca ngộ độc rượu được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai? Từ đầu năm đến nay, ngày nào Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân mới do ngộ độc rượu, nhiều hôm có tới 4-5 ca. Tình trạng ngộ độc rượu đang gia tăng và có xu hướng tăng vọt vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.
Năm nay, số ca vào viện do rượu tăng bất thường. Đối tượng ngộ độc rượu bia rất đa dạng, từ sinh viên đến người già. Nguy hiểm nhất là bệnh nhân ngộ độc do uống phải các loại rượu chứa cồn công nghiệp, chất methanol vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành các axít gây tổn thương tế bào, đặc biệt là ở mắt, não.
Khi bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện ngộ độc (mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê), lúc đó tình trạng ngộ độc đã nặng, việc điều trị rất khó khăn và nguy cơ để lại di chứng rất lớn.
Trong số bệnh nhân nhập viện, đa số được xác định là do ngộ độc ethanol (cồn thực phẩm) có trong các loại rượu thông thường nhưng cũng có không ít ca ngộ độc methanol (cồn công nghiệp). Một số trường hợp ngộ độc nặng do uống rượu ngoại.
Đặc biệt, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận một số trường hợp tử vong. Điển hình là trường hợp một bệnh nhân trung niên ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc đầu tháng 1/2017 trong tình trạng ngộ độc rất nặng sau khi uống rượu liên tục 2-3 ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng methanol trong máu của bệnh nhân này lên tới gần 300 mg/100 ml máu (trong khi chỉ với mức trên 20mg/ml máu đã được ghi nhận là ngộ độc).
Dù được lọc máu, dùng thuốc giải độc và sử dụng máy trợ tim mạch ngay khi nhập viện nhưng bệnh nhân đã bị suy thận, tổn thương não nghiêm trọng, không có khả năng phục hồi, không thể cứu chữa, gia đình đã xin đưa bệnh nhân về nhà.
Hiện nay, khi bị say rượu, nhiều người đã tìm đến thuốc giải rượu. Theo bác sỹ, thuốc giải rượu có hiệu quả không và có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không? Hiện nay, tình trạng lạm dụng các loại thuốc giải rượu đang có xu hướng gia tăng. Không ít người dù đã uống thuốc giải rượu song vẫn phải vào viện cấp cứu vì ngộ độc rượu. Thậm chí, có bệnh nhân đã uống thuốc giải rượu nhưng bị ngộ độc nặng hơn bởi họ cho rằng “dùng thuốc giải rượu rồi vẫn có thể uống vô tư”.
Nhiều người cứ nghĩ uống bia ít ngộ độc hơn uống rượu nhưng thực tế không ít bệnh nhân đã phải nhập viện vì uống bia quá nhiều.
Sử dụng thuốc giải rượu là quan niệm sai lầm bởi hiện chưa có loại thuốc giải rượu nào được chứng minh có hiệu quả rõ ràng. Thực tế, các loại thuốc giải rượu hiện nay, kể cả thuốc dạng uống hay dạng tiêm, thường chỉ có tác dụng hỗ trợ; giúp bù đắp muối, khoáng, vitamin vào cơ thể người uống.
Ngoài ra, một thói quen giải rượu rất phổ biến hiện nay là uống nước chanh, đồ uống chua sau khi uống rượu say là một hành động không đúng. Thực tế, không nên cho người say rượu uống các loại đồ uống này vì rất dễ gây tổn thương dạ dày, viêm dạ dày.
Hơn nữa, uống rượu vào cũng giống như uống thuốc ngủ, người uống nhiều rượu vào rất dễ ngủ. Lúc này cho người say rượu uống nước chanh, các đồ uống chua rất dễ gây nôn. Bị nôn trong lúc ngủ, dịch nôn dễ vào phổi gây sặc, ngạt thở, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Vào dịp lễ, Tết, nhất là Tết Nguyên đán nghỉ dài, tình trạng sử dụng rượu bia chắc chắn sẽ tăng cao. Bác sỹ có khuyến cáo gì với người dân để việc uống rượu, bia không ảnh hưởng đến sức khỏe?
Người uống rượu bia nên uống ở mức vừa phải, tránh lạm dụng, uống quá nhiều. Nếu uống rượu, bia, nên uống từ từ, kết hợp với sử dụng đồ ăn, xen kẽ với nước lọc. Người dân tuyệt đối không dùng rượu bia không rõ nguồn gốc; cũng có thể sử dụng một số loại nước uống hoặc thực phẩm tốt cho sức khỏe sau khi uống rượu bia như mật ong, sữa không đường, bánh mỳ…
Người dân không nên uống rượu tự pha chế, rượu tự ngâm với lá, rễ cây, động vật… không rõ thành phần, xuất xứ, công dụng; không uống rượu kèm với các loại nước có gas.
Người dân tuyệt đối không uống rượu khi đang sử dụng các loại thuốc như: thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương, thuốc có tác dụng phụ ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ đường huyết, các nhóm kháng sinh cephalosporin, nhóm phenicol (chloramphenicol), nhóm azol (metronidazol, ketocanzol), thuốc kháng viêm không steroid thế hệ cũ…
Trân trọng cảm ơn bác sỹ!