Họ là điều dưỡng viên, những người không đơn thuần chỉ “thay băng, chích thuốc” mà đang hàng ngày âm thầm đảm nhiệm sứ mệnh chăm sóc, đồng hành cùng bệnh nhân từ khi nhập viện đến khi ra về.
Nghề cực nhọc
Đang ăn bữa cơm tối muộn, Điều dưỡng trưởng ca trực cấp cứu Phan Tiến Dũng – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nghe tiếng còi xe cứu thương tiến vào bệnh viện kèm theo đó là tiếng hô to có nhiều bệnh nhân cấp cứu. Bỏ bữa cơm ăn dở, vơ vội cuốn sổ trực, anh chạy ra tiếp nhận bệnh nhân. Liên tục nhận bệnh, sơ cứu, đến khi quay trở lại chỗ ngồi thì bữa cơm đã nguội...
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh ngày cũng như đêm lúc nào cũng là những bước chân vội vã của điều dưỡng. “Lướt như bay”, “nhanh thoăn thoắt” là những cụm từ dí dỏm mà tập thể Bệnh viện Chợ Rẫy dành riêng cho các điều dưỡng Khoa Cấp cứu.
“Với những người mới vào nghề có thể họ sẽ choáng ngợp khi làm việc ở đây nhưng mình thì quen rồi. Mỗi ngày, hàng trăm ca cấp cứu với đủ loại thương tích được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy, mà đa số là thương tích nặng, có những tua trực đến cơm cũng không kịp ăn”, anh Phan Tiến Dũng Dũng chia sẻ.
“Đã khoác lên mình chiếc áo này thì phải xác định là cực khổ và phải chịu được cực khổ”, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Bằng, Điều dưỡng trưởng Khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy nói về nghề điều dưỡng.
28 năm gắn bó với nghề điều dưỡng trong đó có đến 18 năm phục vụ ở Khoa Hồi sức tích cực và 10 năm làm việc tại Khoa U gan, chị Kim Bằng là người thấu hiểu hơn ai hết những cực nhọc của nghề.
“Nhiều người cứ tưởng làm điều dưỡng chỉ là thay băng, chích thuốc mỗi ngày nhưng không phải thế, một điều dưỡng phải theo bệnh nhân từ A đến Z và là người quyết định đến 50% sự thành công của một ca bệnh”, chị Kim Bằng chia sẻ.
Mới chập chững vào nghề được 4 năm nhưng điều dưỡng trẻ Phạm Thị Thanh Loan, Khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã kịp trải qua những vất vả, cực nhọc của nghề. Những ngày đầu tiên, Loan đã không kìm được vài lần ói đến “mật xanh mật vàng” khi tiếp xúc với chất thải của bệnh nhân.
Tuy nhiên, sau những lần đó, Loan vẫn quyết định tiếp tục chăm sóc bệnh nhân một cách chu đáo, cẩn thận. “Chăm sóc bệnh nhân tưởng dễ mà không dễ vì “5 người 10 ý” và điều dưỡng thường phải nương theo các tình huống để xử lý”, điều dưỡng Loan tâm sự. Thậm chí, những điều dưỡng trẻ như Loan phải đối mặt với những ánh mắt nghi ngờ, không tin tưởng của bệnh nhân chỉ vì tuổi đời, tuổi nghề còn quá trẻ.
Không chỉ chăm sóc bệnh nhân, điều dưỡng còn là những người trấn định tâm lý cho cả bệnh nhân lẫn người nhà. Đơn cử như tại Khoa U gan, Bệnh viện Chợ Rẫy hầu hết bệnh nhân lẫn người nhà đều xác định đã đến đây là “trời kêu ai nấy dạ”, do đó tâm lý thường rất hoang mang, lo lắng. “Chỉ cần một lời nói hay sự động viên của mình thì bệnh nhân cũng yên tâm hơn để điều trị”, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Bằng chia sẻ.
Có lẽ cũng chính vì lý do đó mà thạc sĩ Nguyễn Trần Đức, Điều dưỡng trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy trở thành “người điều dưỡng vui vẻ” trong mắt các bệnh nhân chạy thận tại đây.
Anh chia sẻ: "Bệnh nhân khi biết mình mắc bệnh thường rất sốc, tâm lý khá nặng nề do đó mình càng phải thấu hiểu, cảm thông cho họ hơn. Sự vui vẻ, thái độ ân cần của mình cũng chính là niềm an ủi, động viên giúp bệnh nhân có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật".
Không kém phần nguy hiểm
Nhớ lại những ngày đầu tiên công tác tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 175, Điều dưỡng trưởng Uông Sỹ Thạo kể, năm 1996, anh được phân công chăm sóc một bệnh nhân vốn là lính đặc công mắc chứng hoang tưởng nặng.
Tuy nhiên, bệnh nhân này không chấp nhận mình mắc bệnh, từ chối điều trị, thường xuyên bỏ trốn. “Mỗi lần bệnh nhân này trốn là chúng tôi phải chia nhau đi tìm khắp bệnh viện, khi tìm được thì chống cự quyết liệt vì lính đặc công rất giỏi võ và tôi thường xuyên bị bệnh nhân đấm vào mặt, vào bụng...”, anh Thạo cho hay.
Do đặc thù chăm sóc bệnh nhân tâm thần nên anh Thạo cũng như nhiều điều dưỡng Khoa Tâm thần thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bệnh nhân trốn chạy, bỏ ăn, bỏ thuốc, chống cự, thậm chí là ném đá, cào cấu, cắn và đánh điều dưỡng.
“Thế nhưng khi qua đi những cơn “không tỉnh táo” thì bệnh nhân lại rất tình cảm, xin lỗi rối rít, lúc đó làm sao mà giận họ được”, anh Thạo tâm sự. “Cũng có nhiều bệnh nhân rất tội nghiệp, khi đưa vào đây xong gia đình không đoái hoài đến, tất cả phải nhờ vào sự chăm sóc của điều dưỡng nên ngoài tình yêu với công việc, để chăm sóc bệnh nhân tâm thần còn có tình thương giữa con người với con người”, Điều dưỡng trưởng Uông Sỹ Thạo chia sẻ sau 25 năm gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Quân y 175.
Còn điều dưỡng Phan Tiến Dũng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã không ít lần đối mặt với sự “gây hấn” từ người nhà bệnh nhân. “Người nhà bệnh nhân có nhiều lý do để gây sự với mình lắm, ví như họ thấy người nhà chưa được can thiệp hoặc không hài lòng một điều gì đó là sẵn sàng to tiếng với chúng tôi mà không biết rằng có nhiều người nặng hơn đang cần được chăm sóc và chúng tôi luôn có những quy trình làm việc hợp lý”, anh Dũng chia sẻ. Mới đây nhất, anh từng chứng kiến một nữ đồng nghiệp của mình bị người nhà bệnh nhân đánh đến chấn thương sọ não phải nằm viện điều trị.
“Mỗi khi bệnh nhân hay người nhà nóng nảy, bức xúc mà lớn tiếng... thì điều dưỡng phải là người mềm mỏng, giải thích rõ ràng, hợp tình, hợp lý để họ nguôi đi sự giận dữ”, chị Nguyễn Thị Kim Bằng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân khi ứng phó với những tình huống không mong muốn.
Với những điều dưỡng viên, được sống với nghề, tận tâm với công việc và chứng kiến lần lượt bệnh nhân của mình xuất viện về nhà khỏe mạnh thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc không thể diễn tả bằng lời.