Tính đến 6 giờ ngày 14/5, Việt Nam đã có 28 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, giữ nguyên tổng số mắc là 288 trường hợp.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 13.719 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 324; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.254; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 6.141 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 6 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 11 ca.
Đúng 0 giờ ngày 14/5/2020, khu vực cách ly thôn Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội), khu vực bị cách ly cuối cùng của thành phố Hà Nội chính thức được gỡ phong tỏa. Tất cả người dân phấn khởi vì cuộc sống được trở lại cuộc sống bình thường.
Như vậy hiện tại, Hà Nội đã hết ổ dịch COVID-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tuy dịch đã được kiểm soát, nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện giải pháp ngăn chặn triệt để nguồn lây nhiễm bên ngoài. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều phải cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 2 lần. Hệ thống giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng được duy trì để khoanh vùng, dập dịch ngay lập tức. Năng lực ứng phó với đại dịch tiếp tục được tăng cường, đặc biệt là đội ngũ y tế trong chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 ở tất cả các tuyến.
Việt Nam đã chủ động sản xuất nhiều trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, máy thở, thuốc điều trị… trong nước. Ban Chỉ đạo quốc gia tập trung điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương, lực lượng phòng, chống dịch.