Hiện khoa Nam của Bệnh viện tâm thần tỉnh đang điều trị cho gần 60 bệnh nhân, trong đó có tới 50% bệnh nhân được xác định là loạn thần do rượu. Đáng lo ngại, đa số các ca bệnh loạn thần, hoang tưởng do rượu tại Bệnh viện đều trong độ tuổi lao động từ 30 - 50 tuổi.
Bác sỹ Lâm Quang Hiếu, khoa Nam, Bệnh viện tâm thần tỉnh Ninh Bình cho biết, uống nhiều rượu trong thời gian dài, quá trình này sẽ hủy hoại một số hệ thống trên cơ thể, làm suy giảm chức năng gan, thận, ảnh hưởng vùng cảm xúc, vùng trí nhớ trên não cũng như khả năng điều khiển hành vi. Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Andehyt có trong rượu sẽ tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương gây ngộ độc chuyển hóa. Người bị loạn thần do rượu thường có biểu hiện run rẩy, hay giật mình hoảng hốt, nói nhảm, hay xuất hiện ảo giác, thậm chí lên cơn co giật, mê sảng. Ngoài ra, nghiện rượu còn gây ra hoang tưởng có hành vi tấn công người khác. Đây là dạng bệnh lý hay gặp và có xu hướng gia tăng. Điều đáng lưu ý, hầu hết những bệnh nhân nghiện rượu đều không nghĩ mình đang mắc bệnh vì thế họ thường không hợp tác với các y, bác sĩ.
Theo bác sỹ Hiếu, thực tế hiện nay, việc mua bán rượu diễn ra rất dễ dàng. Vì thế, việc điều trị nghiện rượu không khó nhưng để bệnh nhân bỏ hoàn toàn được rượu là điều rất khó. Có trên 70% số bệnh nhân điều trị cai nghiện rượu lại tái nghiện. Có những bệnh nhân vào viện điều trị đến lần thứ 3, bệnh ngày càng nặng, sức khỏe kém do tái nghiện rượu nhiều lần. Vì vậy, việc điều trị loạn thần do rượu phải kiên trì, đòi hỏi sự hợp tác của bệnh nhân và gia đình cùng sự hỗ trợ của cả cộng đồng.
Để không tái nghiện, trước hết người nghiện cần có nghị lực và quyết tâm đoạn tuyệt với bia, rượu, tuân thủ nghiêm chế độ điều trị và liệu pháp tâm lý theo hướng dẫn của bác sỹ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có quy chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ trong việc sản xuất, mua bán và sử dụng rượu nhằm hạn chế thấp nhất các tác hại của rượu đối với sức khỏe con người. Ngoài ra, khi thấy người nghiện rượu có dấu hiệu loạn thần, người thân cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, không nên tự điều trị tại nhà. Gia đình và xã hội cần kiên trì vận động để người bệnh từ bỏ thói quen uống rượu, không nên kì thị, xa lánh mà cần giúp đỡ, tạo điều kiện để người nghiện hiểu được tác hại của rượu, bia, quyết tâm bỏ rượu, tìm được việc làm phù hợp, ổn định cuộc sống sớm tái hòa nhập cộng đồng.