Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh dại

Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa (xuân-hè), đây là thời điểm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh dại có khả năng bùng phát và lây lan, gây nguy hiểm đến sức khỏe cho người dân.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, ngành Y tế Yên Bái đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, hoạt động phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung đẩy mạnh vào công tác tuyên truyền để người dân chủ động đến các cơ sở y tế tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn.

Bệnh dại là bệnh lưu hành trên địa bàn Yên Bái từ nhiều năm nay, hàng năm, vẫn xuất hiện các trường hợp tử vong do lên cơn dại, đây là một trong những bệnh truyền nhiễm có số tử vong cao.

Theo thống kê 10 năm trở lại đây (2009-2018), tỉnh có 50 ca chết do bệnh dại, trung bình mỗi năm có 5 ca tử vong, cao nhất năm 2011 với 14 ca; năm 2012 với 12 ca. Đặc biệt, 3 tháng đầu năm 2019, tỉnh Yên Bái đã có một trường hợp trú tại xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình bị tử vong do bệnh dại. Hầu hết các ca tử vong đều do bị chó cắn, khi chăm sóc chó ốm và không được điều trị dự phòng bằng vắc xin, huyết thanh kháng dại.

Nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong do dại, Yên Bái đã đặt 13 điểm tiêm phòng dại tại 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh và cung cấp đủ số vắc xin, huyết thanh kháng dại đáp ứng yêu cầu điều trị dự phòng cho người dân. Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh dại; khi bị chó, mèo nghi dại cắn cần đến các Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng; tuyệt đối không giết mổ và chế biến chó ốm làm thực phẩm; thực hiện tiêm phòng dại đầy đủ cho đàn chó theo chỉ đạo của chính quyền và cơ quan thú y địa phương...

Ông Lê Hồng Quang, Trưởng Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có trên 1.400 ca phơi nhiễm dại được tiêm phòng. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều người dân khi bị chó, mèo cắn đã chủ động đến trung tâm để tiêm phòng.

Anh Hà Văn Chiều, thôn An Thịnh, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) chia sẻ, cách đây 5 ngày, anh bị chó cắn. Được sự tuyên truyền của nhân viên y tế thôn, anh đã chủ động đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm phòng, nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân.

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân nên đi tiêm phòng khi bị chó, mèo cắn, các trường hợp tử vong do dại trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã giảm rõ rệt, năm 2011 với 14 ca tử vong, đến năm 2018 chỉ có 2 ca tử vong.

Nhằm tăng cường phòng chống bệnh dại, hạn chế thấp nhất các ca tử vong, thời gian tới,  ngành Y tế Yên Bái tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm Y tế huyện, thành, thị chủ động giám sát, phát hiện người có phơi nhiễm với bệnh dại, thống kê, lập danh sách số đã tiêm và chưa tiêm theo hệ thống báo cáo cáo dịch hàng ngày. Ngành Y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y nắm bắt và cung cấp thông tin về tình hình chó dại trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tăng cường hoạt động truyền thông trên loa truyền thanh xã, trực tiếp đến tại các gia đình và tổ chức các buổi họp dân tại cộng đồng về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng bệnh; khuyến cáo người dân nên tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo, không thả rông chó mèo. Khi bị chó, mèo cắn, người dâm cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng dại kịp thời, tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa tại nhà…

Đinh Thùy (TTXVN)
Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở 36 tỉnh
Tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở 36 tỉnh

Mỗi năm Việt Nam có đến nửa triệu dân cần tiêm vắc xin dại, tốn kém hàng nghìn tỷ đồng, tạo gánh nặng không nhỏ cho nguồn lực xã hội và đời sống nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN