Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, chính sách giá và thuế là một trong những giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá; thậm chí vai trò của thuế chiếm tới 50% trong việc giảm hút thuốc (phần còn lại là tác động từ các biện pháp khác bao gồm thực thi môi trường không khói thuốc, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, truyền thông về tác hại thuốc lá, cấm quảng cáo thuốc lá và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá).
Ước tính của WHO cho thấy, trung bình khi giá thuốc lá tăng 10% sẽ làm giảm sử dụng thuốc lá khoảng 4% tại các nước có thu nhập cao và 5% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Đặc biệt, biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.
Về kinh nghiệm tăng thuế thuốc lá của các nước, theo BS. Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO tại Việt Nam, như Philippines đã đạt được những kết quả ấn tượng trong việc giảm được 30% tỷ lệ hút thuốc và tăng thu thuế hơn 400% sau cải cách thuế thuốc lá. Năm 2012, Phillipines bắt đầu tiến trình cải cách thuế thuốc lá bằng cách hợp nhất 4 bậc thuế tiêu thụ đặc biệt thành một mức duy nhất vào năm 2017, sau đó tiếp tục tăng thuế thêm 5 peso mỗi bao thuốc lá mỗi năm, đạt mức 60 peso (tương đương 1 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2023. Cải cách này đã nâng mức thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá ở phân khúc cao cấp lên 110% và ở phân khúc trung bình lên hơn 700% so với năm 2012. Nhờ đó, tỷ lệ hút thuốc tại Philippines đã giảm mạnh từ 27% năm 2009 xuống còn 19,5% năm 2021, tương đương mức giảm 30%. Đồng thời, doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ khoảng 0 triệu USD năm 2012 lên 2,9 tỷ USD năm 2022. Cải cách thuế thuốc lá ở Philippines đã có hiệu quả rõ ràng cho chính sách “cùng thắng” – vừa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa gia tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia.
Còn tại Thái Lan, từ năm 1993-2017, nước này đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá lên 11 lần, trung bình khoảng 2 năm tăng một lần. Kết quả là thuế thuốc lá đã tăng từ 55% đến 90% giá bán buôn đã có thuế. Năm 2017, Thái Lan tiếp tục cải cách thuế thuốc lá, chuyển đổi từ hệ thống thuế tỷ lệ sang hệ thống thuế hỗn hợp. Kết quả, tỷ lệ hút thuốc (chung cả nam và nữ) của Thái Lan đã giảm từ 32% (năm 1991) xuống còn 19,91% (năm 2017), trong khi sản lượng thuốc lá không thay đổi nhiều.
Kinh nghiệm cải cách thuế thuốc lá ở Thái Lan và Phillippnes đã cho thấy, áp thuế ở mức cao và tăng thuế thuốc lá đều đặn đã giúp giảm tỷ lệ hút thuốc lá, giảm tiêu dùng thuốc lá trong cộng đồng, và giúp tăng doanh số thu thuế từ thuốc lá.
Với Việt Nam, TS. Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: “Việt Nam cần vững tin về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một chiến lược then chốt và hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và trẻ em từ kinh nghiệm của các nước như Hàn Quốc, Philippines... Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt có thể giúp tài trợ cho các chương trình truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về phòng chống tác hại của thuốc lá. Nâng cao năng lực đánh giá và dự báo nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá sẽ giúp lập kế hoạch cho các chương trình, sáng kiến thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững được tài trợ từ ngân sách nhà nước”.
Đề xuất mức tăng thuế phù hợp
Theo bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo cần thay đổi chính sách thuế thuốc lá theo hướng: Bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn và tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.
Về mức thuế, để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá theo Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá tới năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại. Cụ thể Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị phương án thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở Việt Nam ở mức: Mức 5.000 đồng/gói năm 2026; mức 7.500 đồng/gói vào năm 2027; mức 10.000 đồng/gói năm 2028; mức 12.500 đồng/gói năm 2029; mức 15.000 đồng/gói năm 2030.
Phương án khuyến nghị này (đạt mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc và giữ nguyên mức thuế tỷ lệ 75% vào năm 2030) được cho rằng sẽ giúp tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối khoảng 13%. Tỷ lệ hút thuốc lá ở nam và nữ sẽ giảm xuống dưới 36% và 1,0% tương ứng vào năm 2030, qua đó sẽ đạt được các mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá Việt Nam.
Phương án này cũng sẽ làm giảm đáng kể tổng số người hút thuốc, ước tính giảm khoảng 696.000 người vào năm 2030 so với năm 2020. Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế hàng thực, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.
Trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, vấn đề tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá được đưa vào nghị trường. Trước đó, tại các buổi thảo luận, chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng rất quan tâm thảo luận về vấn đề tác hại của thuốc lá, thuốc lá mới; đặc biệt là vấn đề đánh thuế đối với thuốc lá và có nhiều đề nghị về kiểm soát các sản phẩm này để bảo vệ sức khỏe người dân.
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết: “Trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đã đưa mặt hàng này vào, đây là tín hiệu đáng mừng. Dự kiến, Dự thảo sẽ được đưa ra lấy ý kiến Quốc hội và thông qua vào tháng 5/2025. Bộ Y tế đã liên tục nhận được thư kiến nghị về việc giảm thuế, giãn lộ trình tăng thuế với thuốc lá; tuy nhiên Bộ cũng nhận được đề nghị của WHO và nhiều tổ chức về việc cần tăng mức thuế hơn nữa đảm bảo tiệm cận được với các nước trong khu vực và trên thế giới”.
“Việc đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không vì mục tiêu gì ngoài bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Chúng tôi mong muốn các Bộ, ngành hết sức ủng hộ chính sách này, vì đó cũng là bảo vệ sức khỏe cho chính chúng ta”, Bà Phan Thị Hải, Phó giám đốc phụ trách Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá nhấn mạnh.