Ba trung tâm hồi sức tích cực này có tổng quy mô 1.500 giường, bao gồm Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Bạch Mai đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 16 (Quận 7), quy mô 500 giường; Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Trung ương Huế đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 (huyện Bình Chánh), quy mô 500 giường; Trung tâm Hồi sức của Bệnh viện Việt Đức đặt tại Bệnh viện Dã chiến số 14 (thành phố Thủ Đức), quy mô 500 giường.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đang trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có. Với đặc điểm lây lan mạnh, nhanh, biến thể Delta đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác điều trị. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”; “bảo vệ sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết”, từ cuối tháng 6/2021 thành phố đã chủ động thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Đến nay, toàn thành phố đã có 15 bệnh viện dã chiến; 42 bệnh viện, cơ sở điều trị đưa vào hoạt động với quy mô gần 45.000 giường.
Với tinh thần trách nhiệm cao, chỉ trong vòng 20 ngày thành phố đã xây dựng xong ba bệnh viện dã chiến 13, 14, 16 và chỉ trong vòng 1 tuần đã phối hợp với Bộ Y tế thành lập xong ba trung tâm hồi sức. “Việc đưa vào hoạt động các trung tâm hồi sức tích cực, cùng trang thiết bị hiện đại và chung tay của các y bác sĩ ở Trung ương và địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn, cũng như phát huy hiệu quả các bệnh viện trong tháp điều trị 5 tầng của thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong nói.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mục tiêu hàng đầu hiện nay của thành phố là giảm tối đa số bệnh nhân mắc COVID-19 chuyển nặng, tử vong. Do đó, thành phố yêu cầu các bệnh viện dã chiến, các trung tâm hồi sức trong quá trình hoạt động phải thực hiện nghiêm túc và theo đúng quy trình của Bộ Y tế; phối hợp hết sức nhịp nhàng, đồng bộ từng khâu, từng bộ phận và luôn đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người bệnh lên trên hết.
Tại buổi lễ, Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, đề nghị, ba bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức và Trung ương Huế nêu cao tinh thần đoàn kết, đồng thuận, đồng bộ để cùng nhau chia sẻ chuyên môn; tổ chức đào tạo về chống nhiễm khuẩn, cũng như sử dụng các trang thiết bị hiện đại: máy thở, máy lọc máu, hệ thống ECMO (phương pháp oxy hóa màng ngoài cơ thể) để cùng nhau tạo ra cơ hội tốt nhất cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh cần đảm bảo đủ công tác hậu cần, đồng thời chuẩn bị các trang thiết bị vật tư y tế cùng những điều kiện cần thiết để giúp cho đội ngũ y, bác sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bác sỹ Đỗ Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, hiện tại, nhiều khoa đầu ngành của bệnh viện đã có mặt tại Trung tâm Hồi sức tích cực tại Bệnh viện Dã chiến số 16. Đây là những chuyên gia đã hỗ trợ cho nhiều tỉnh, có kinh nghiệm trong việc thiết lập bệnh viện dã chiến, thiết lập các trung tâm hồi sức điều trị COVID-19. Bên cạnh đó, các trang thiết bị quan trọng phục vụ cho công tác điều trị như máy thở chức năng cao, hệ thống thở oxy lưu lượng cao, máy lọc máu, máy ECMO cũng đã được chuyển từ bệnh viện Bạch Mai vào kho của trung tâm. Những thiết bị bổ sung cũng đang trên đường từ Hà Nội vào, dự kiến tối nay sẽ đến tổng kho.
Cùng ngày 7/8, Tập đoàn Novaland đã chính thức bàn giao Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân mắc COVID-19 cho Bệnh viện Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh (đóng tại số nhà 2, đường Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú). Trung tâm này có quy mô 12.300 m2 với hơn 600 giường bệnh có chức năng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 khác trong khu vực. Đây cũng là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.