Theo đó, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7; khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh, sơ cấp cứu ban đầu. Các đơn vị đảm bảo trực 24/7, luôn mở cổng bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận khi người dân tự đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm. Tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà làm chậm trễ việc cấp cứu người bệnh. Tùy tình trạng người bệnh mà quyết định việc tiếp tục điều trị người bệnh tại đơn vị hay cần chuyển tuyến điều trị. Không được yêu cầu người bệnh phải có xét nghiệm test nhanh hoặc PCR dương tính với SARS-CoV-2 mới tiếp nhận.
Ngoài ra, các bệnh viện cần chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu; đảm bảo không để người bệnh diễn biển nặng hơn do phải chờ đợi lâu.
Sở Y tế yêu cầu thủ trưởng các đơn vị triển khai nội dung trên đến toàn thể nhận viên nhằm thực hiện hướng đến mục tiêu giảm thấp tỷ lệ tử vong; không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận. Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Cũng trong ngày 5/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các UBND, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế thành phố Thủ Đức và các quận huyện; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố; các bệnh viện trực thuộc bộ, ngành, công lập và ngoài công lập khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine của Pfizer và Moderna.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, hai loại vaccine Pfizer và Moderna được bảo quản ở nhiệt độ 2 đến 8 độ C và phải sử dụng hết trong vòng tối đa 31 ngày. Để đảm bảo sử dụng hiệu quả và chất lượng số vaccine được Bộ Y tế phân bổ trong tháng 7/2021, Sở Y tế đề nghị các đơn vị khẩn trương tổ chức tiêm toàn bộ vaccine của Pfizer và Moderna đã được cấp phát cho đơn vị trước ngày 8/8.
Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố khẩn trương rà soát ngay kế hoạch tổ chức tiêm hai loại vaccine này của các đơn vị để kịp thời điều phối cho các đơn vị khác, đảm bảo sử dụng hết số vaccine được cấp.