Báo cáo Tổng quan thống kê y tế thế giới năm 2019 của WHO do tác giả Richard Cibulskis chủ biên cho biết, ngoài tuổi thọ trung bình trên toàn thế giới tăng từ 66,5 lên 72 tuổi, tuổi thọ khỏe mạnh - có nghĩa là số năm cá nhân sống khỏe mạnh đã tăng từ 58,5 tuổi vào năm 2000, tăng lên 63,3 tuổi vào năm 2016. Tuổi thọ trung bình của người dân ở các nước có thu nhập thấp thấp hơn 18,1 năm so với người dân sống ở các nước có thu nhập cao.
Báo cáo nhấn mạnh thái độ khác nhau đối với chăm sóc sức khỏe giữa nam và nữ đã giúp giải thích sự khác biệt về tuổi thọ giữa 2 giới. Chẳng hạn ở các quốc gia có dịch HIV lan rộng, nam giới ít đi xét nghiệm HIV hơn, do đó khả năng tiếp cận với các liệu pháp kháng virus hạn chế dẫn đến khả năng tử vong vì các bệnh liên quan đến AIDS cao hơn so với phụ nữ.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố, trong số 40 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới hiện nay, có 33 nguyên nhân góp phần đáng kể vào việc giảm tuổi thọ ở nam giới so với nữ giới. Kết quả trên cũng phù hợp với dữ liệu nghiên cứu vào năm 2016 chỉ ra rằng xác suất một người đàn ông 30 tuổi tử vong vì căn bệnh không lây nhiễm như bệnh tim trước 70 tuổi, cao hơn 44% so với phụ nữ cùng độ tuổi.
Báo cáo của WHO nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu, thúc đẩy quản lý hiệu quả các bệnh không truyền nhiễm và hạn chế các yếu tố rủi ro.