Bác sỹ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch Tp. Hồ Chí Minh kiểm tra bệnh về phổi cho trẻ em. Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN |
Đây là nhận định của Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu trong cuộc họp với đoàn Việt Nam bên lề Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 71 diễn ra từ ngày 21-26/5 tại Geneva (Thụy Sĩ). Đoàn Việt Nam tham dự do Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường dẫn đầu.
Giám đốc Chương trình chống lao toàn cầu của WHO Tereza Kasaeva đánh giá cao các thành tựu chống lao của Việt Nam, trong thời gian ngắn đã áp dụng nhanh và hiệu quả các công nghệ mới. Theo bà Kasaeva, Việt Nam là ví dụ điển hình của một nước đi đầu trong thực hiện chiến lược chấm dứt bệnh lao của WHO, đóng góp to lớn vào thành công chung trên thế giới. Việt Nam cũng đang triển khai các nội dung trong Tuyên bố Moskva tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế toàn cầu về chấm dứt bệnh lao tháng 11 năm ngoái tại Nga, điều đó thể hiện sự cam kết chính trị với thế giới.
WHO cũng đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Bộ Y tế và Chương trình chống lao Việt Nam không những làm tốt các hoạt động trong nước mà còn chia sẻ với các nước trong khu vực như đã tổ chức cuộc đối thoại chính sách tăng cường phòng chống lao và lao kháng thuốc khu vực APEC vào tháng 8/2017 vừa qua. WHO ghi nhận đóng góp của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung (Giám đốc Bệnh Viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Việt Nam) đã tham gia các hội đồng tư vấn chiến lược, phát triển hướng dẫn, các định hướng nghiên cứu về lao của WHO trong nhiều năm qua.
Chuẩn bị cho hội nghị cấp cao lần đầu tiên của Liên hợp quốc về chấm dứt bệnh lao toàn cầu tại New York, WHO kêu gọi sự tham gia của lãnh đạo chính phủ và Bộ Y tế cũng như sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu. WHO cũng ghi nhận trong thời gian qua với các hoạt động rất hiệu quả Việt Nam đã nhận được tài trợ rất lớn của quốc tế. Trong thời gian tới, WHO đề nghị Việt Nam cần tăng cường hơn nữa đầu tư trong nước để đảm bảo tính bền vững.