Báo cáo thường niên của WHO, được công bố vào Ngày Thế giới phòng chống ung thư 4/2, nêu rõ các quốc gia nói trên đã tập trung nguồn lực hạn chế của họ cho công tác phòng chống các bệnh truyền nhiễm, cũng như cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em thay vì phòng chống ung thư. Các nước này cũng thường xuyên ghi nhận tỷ lệ tử vong vì ung thư ở mức cao nhất.
Trong báo cáo, Trợ lý Tổng Giám đốc WHO Ren Minghui cho rằng tỷ lệ 81% nói trên là lời cảnh tỉnh toàn thế giới về tình trạng bất bình đẳng "không thể chấp nhận được" giữa các nước giàu và các nước nghèo trong phòng ngừa, điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Ông cho rằng nếu người dân có cơ hội tiếp cận rộng rãi các hệ thống khám sàng lọc và chăm sóc cơ bản, việc mắc ung thư có thể được phát hiện sớm, qua đó nâng cao hiệu quả điều trị và ung thư không đồng nghĩa với án tử hình ở các nước nghèo.
Báo cáo nhấn mạnh khoản đầu tư 25 tỷ USD trong thập kỷ tới có thể cứu sống khoảng 7 triệu người trên thế giới khỏi căn bệnh này. Cũng theo báo cáo, tổng số ca ung thư trên thế giới sẽ tăng khoảng 60% vào năm 2040 và thuốc lá là nguyên nhân gây ra 25% số ca tử vong vì ung thư.
Theo các chuyên gia y tế, chất lượng điều trị tốt hơn ở các quốc gia có thu nhập cao góp phần giảm đến 20% số ca tử vong do ung thư tại nhóm các nước này trong giai đoạn 2000-2015. Trong khi đó, tỷ lệ này đối với nhóm các quốc gia nghèo chỉ ở mức 5%.
Báo cáo nhấn mạnh thêm rằng nếu như trước đây ung thư bị coi là một căn bệnh của các nước giàu, thì tới nay đây là một quan điểm sai lầm. Có khoảng 20% dân số thế giới có nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc ung thư trên thế giới đang có xu hướng tăng nhanh và đáng báo động. Theo số liệu của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế GLOBOCAN 2018, mỗi năm trên thế giới có khoảng 18,1 triệu ca mắc mới ung thư và 9,6 ca bệnh nhân ung thư tử vong. Dự báo năm 2025 tăng lên 19,3 triệu ca mới, trong đó bệnh nhân phần lớn ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam, ung thư cũng là bệnh lý đang tăng cao. Theo thống kê của Tổ chức Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), năm 2018 tại Việt Nam có khoảng 165.000 ca ung thư mới mắc, gần 115.000 trường hợp tử vong và hơn 300.0000 người đang phải chung sống với căn bệnh ung thư. Dự báo con số này sẽ vượt 200.000 người vào năm 2020. Nhìn tổng quan trên bản đồ ung thư thế giới, tỷ lệ mắc ung thư của Việt Nam không cao nhưng tỷ lệ tử vong tương đối lớn, xếp vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ với tỷ lệ 104,4/100.000 dân.