Theo RT, hợp chất THM là một nhóm các phân tử xuất hiện dưới dạng sản phẩm phụ của các chất khử trùng được sử dụng để làm sạch nước uống. Khi clo - hóa chất chính được sử dụng để làm sạch nước uống – phản ứng với chất hữu cơ, nó sẽ phân hủy thành THM. Và dù được coi là cho phép trong một ngưỡng nhất định, tiếp xúc lâu dài với hợp chất này sẽ khiến người dùng mắc nguy cơ bị ung thư bàng quang.
Liên minh châu Âu (EU) đặt ra ngưỡng cho phép đối với THM trong nước máy uống trực tiếp là 100 lg/L, song bất kỳ thứ gì chứa THM vượt ngưỡng 50 lg/L đều khiến nguy cơ mắc ung thư bàng quang tăng ít nhất 51%. Đây là kết quả từ một nghiên cứu do Viện Sức khỏe toàn cầu Barcelona (Tây Ban Nha) thực hiện.
Ung thư bàng quang là loại ung thư mắc phổ biến thứ 10 ở Anh. Trong năm 2016, có đến 135.000 người được chẩn đoán mắc bệnh. Loại ung thư này có thể chữa trị được bằng một cuộc phẫu thuật đơn giản trước khi khối u lan rộng ra các bộ phận khác. Một số bằng chứng cho thấy bệnh này dễ xảy ra ở nam giới hơn phụ nữ.
Quốc gia với phần trăm các ca mắc ung thư bàng quang cao nhất do tiếp xúc với THM là Cyprus (23%), Malta (18%) và Ireland (17%).
Nhóm tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng nếu 13 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất có thể giảm lượng tiếp xúc THM dưới mức trung bình của EU, thì số ca mắc ung thư bàng quang do uống nước máy trực tiếp từ vòi có khả năng giảm đến 44%.