Sở Y tế tỉnh đã ban hành công văn về tăng cường phòng, chống, điều trị bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường triển khai các hoạt động giám sát, điều tra, phát hiện sớm ca bệnh, xử lý kịp thời các ổ dịch trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng hóa chất, sinh phẩm, vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trung tâm phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo y tế trường học, y tế doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; kịp thời phát hiện sớm các ca bệnh, xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là tại các cơ sở giáo dục, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị hoặc chuyển tuyến đối với các ca bệnh nặng, hạn chế tối đa biến chứng nặng liên quan đến bệnh đau mắt đỏ; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm chéo; chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, điều trị bệnh đau mắt đỏ. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà về việc đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và thực hiện biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ.
Những ngày qua, thời tiết tại Nam Định diễn biến thất thường, độ ẩm không khí cao, kèm theo môi trường nhiều khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và bùng phát thành dịch. Từ đầu tháng 9 đến nay, số bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám tại Bệnh viện Mắt tỉnh tăng đột biến, có ngày ghi nhận 50 - 60 ca đau mắt đỏ; trong đó, nhiều bệnh nhân có dấu hiệu bệnh chuyển nặng mới đến cơ sở y tế gây khó khăn cho các y, bác sỹ. Theo số liệu của Bệnh viện Mắt tỉnh, từ đầu tháng 8 đến ngày 9/10 đã có khoảng 2.000 người đến khám và điều trị các bệnh về mắt.
Bác sỹ Đặng Xuân Ngọc, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh Nam Định cho biết, bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở nhiều đối tượng từ trẻ em, người trưởng thành đến người già. Bệnh thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, đồ chơi, khăn lau nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn.
Để phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh khuyến cáo, khi mắt có dấu hiệu ngứa, đỏ bất thường, mọi người không nên dùng tay chạm hoặc dụi mắt khiến mắt bị nhiễm trùng, nên dùng khăn giấy lau nhẹ bên ngoài. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của các y, bác sỹ để tránh bệnh chuyển nặng.