Khánh Hòa là tỉnh ven biển, có chiều dài bờ biển dài nhất cả nước (5 km), cùng hàng trăm đảo lớn nhỏ. Tỉnh có huyện đảo Trường Sa; 6 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: xã Cam Bình (thành phố Cam Ranh); xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh), phường Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang); xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa thuộc huyện Trường Sa là xã đảo. Trong đó, xã Vạn Thạnh, thuộc huyện Vạn Ninh thuộc diện đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Cùng với các xã ven biển, các đơn vị nói trên được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển y tế biển, đảo từ gần 10 năm về trước. Nhờ đó, tuyến y tế biển, đảo Khánh Hòa đã có chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu.
Phóng viên TTXVN thực hiện chùm bài viết chủ đề: Y tế biển đảo - khắc họa rõ những hành động cụ thể của Khánh Hòa trong chăm lo tốt hơn sức khỏe người dân ở những vùng khó khăn, miền núi, biển, đảo, góp phần tạo niềm tin cho nhân dân.
Bài 1: Niềm tin của quân dân nơi 'đầu sóng ngọn gió'
Trong điều kiện khắc nghiệt và thiếu thốn, những bác sĩ quân y tại Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió, tiền tuyến vững vàng của Tổ quốc vẫn ngày đêm nỗ lực, tận tâm cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho đồng đội và ngư dân. Họ không chỉ là người thầy thuốc mà còn là những người chiến sĩ quả cảm, sẵn sàng vượt qua mọi thử thách để bảo vệ sự sống và an toàn cho người dân. Cũng ở nơi đó, y tế biển đảo không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm thiêng liêng, nối dài tình quân dân keo sơn, gắn bó mật thiết.
Niềm tin giữa trùng khơi
Với 27 năm gắn bó với nghề khai thác hải sản, thuyền trưởng tàu cá QNg 95179 TS Ngô Thanh Phong (trú ở xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) biết rất rõ các trạm xá, trung tâm y tế, bác sĩ ở mỗi đảo. Mỗi khi trên tàu có người đau ốm, tai nạn lao động, ông đã đưa tàu đến đảo gần nhất để nhờ quân y hỗ trợ.
Với ông Phong, những câu chuyện ấn tượng nhất khi hành nghề giữa biển khơi mênh mông, muôn trùng sóng gió chính là về những khi được y, bác sĩ chăm sóc, nuôi cơm. Mới hồi cuối tháng 10, đêm khuya ông đi kiểm tra các dụng cụ nấu ăn trên tàu thì bất ngờ lửa ở bếp ga bùng lên, khiến ông bị bỏng nặng ở mặt và hai tay. Sau khi sơ cứu ban đầu, tàu cá của ông nhanh chóng di chuyển đến đảo Song Tử Tây để cấp cứu. Nhưng thuốc trên đảo dành cho điều trị bỏng không được đầy đủ như đất liền nên khi Hải quân Vùng 4 có chuyến tàu vào đất liền, ông Phong được “gửi nhờ” về để được điều trị tốt hơn. Một tháng trở về đất liền từ đảo Song Tử Tây, nhờ tinh thần mạnh mẽ và liệu trình điều trị phù hợp, sức khỏe của ông Phong đã dần hồi phục.
Thuyền trưởng Phong kể tiếp, đây không phải lần đầu tiên ngư dân như ông được quân y chăm sóc từng bữa cơm, viên thuốc miễn phí. Năm 2022, thuyền viên làm việc ở tàu cá của ông bị gãy chân, được đưa vào Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa. Các y, bác sĩ tận tình chăm sóc, điều trị trong nửa tháng, sau đó thuyền viên theo tàu Hải quân về đất liền. “Làm biển chúng tôi chấp nhận nhiều rủi ro, những lúc trái gió, trở trời, ốm đau, bệnh tật. Cho nên khi được các bác sỹ quân y chăm sóc chu đáo, tận tình, chúng tôi rất yên tâm, coi đó là một điểm tựa để bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền đất nước trên biển Đông”, ông Phong chia sẻ.
Ngư dân Lê Văn Lành (sinh năm 1972, quê ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã từng được các bác sỹ quân y cứu sống sau một cơn đột quỵ khi hành nghề trên khu vực vùng biển Trường Sa. Giờ đây, khi có thể co duỗi được chân tay, nói chuyện rành mạch từng câu chữ, ông Lành đã dành muôn lời cảm ơn đến y, bác sĩ trên đảo Sơn Ca, huyện Trường Sa và các bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Việc xảy ra hồi giữa tháng 9, khi đó, ông Lành đau dữ dội, yếu tay, chân, mất cảm giác nửa người bên phải. Thật may mắn, lúc đó ông được thuyền trưởng và các thuyền viên kịp thời sơ cứu rồi đưa vào Bệnh xá Sơn Ca cấp cứu, điều trị. Nhận định tình hình có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, các y, bác sĩ đã thực hiện kết nối qua hệ thống Telemedicine với chuyên gia đầu ngành ở đất liền để được hỗ trợ cấp cứu; đồng thời chuẩn bị vận chuyển người bệnh bằng đường không về đất liền để điều trị chuyên sâu tại Bệnh viện Quân y 175. Ông Lành may mắn qua cơ nguy kịch, phục hồi tốt và ra viện chỉ sau 5 ngày.
Câu chuyện của những ngư dân nói trên chỉ là số ít trong hàng ngàn lượt người gặp nạn trên biển được đưa vào cấp cứu, điều trị kịp thời gần 50 năm qua. Những “người con của biển”, sau mỗi chuyến ra khơi, tiếp tục kể cho nhau nghe về những khoảnh khắc sinh tử được thầy thuốc áo xanh cứu sống. Đó chính là những niềm tin, để lớp lớp người con đất Việt dù biết biển cả bão tố, phong ba, nguy hiểm vẫn vững bước “lướt sóng ra khơi”, là “bia chủ quyền sống” của đất nước trên biển Đông.
Mệnh lệnh từ trái tim
Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa do các y bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 175 đảm nhiệm. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ liên tục khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con ngư dân trong khu vực và tiếp nhận bệnh nhân nặng từ cơ sở y tế ở các đảo nhỏ lân cận chuyển đến. Trung tâm được Nhà nước đầu tư, trang bị tương đối đầy đủ, cố gắng đảm đương nhiệm vụ như trung tâm y tế ở đất liền.
Tiến sĩ, bác sĩ Nông Hữu Thọ, Bệnh viện Quân y 175 khẳng định, biển, đảo Việt Nam là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc; làm việc ở Trung tâm Y tế Trường Sa là niềm vinh dự, tự hào cũng là trách nhiệm lớn lao. “Tình thương là phương thuốc nhiệm màu” là câu châm ngôn bác sĩ Thọ luôn nhắc mình, là động lực cho anh và đồng nghiệp vượt qua những khó khăn, nỗ lực cứu chữa người bệnh.
Trong vô số câu chuyện khó khăn, vất vả khi hành nghề, bác sĩ Thọ kể rất nhiều về những quyết định “sinh tử”. Đó là ca bệnh cuối năm 2023, khi ông vừa mới ra đảo công tác. Thời điểm đó có một công nhân, 36 tuổi, bị đau ruột thừa khi đang cùng Hải đoàn canh tác trong khu vực Trường Sa. Trước khi đưa về Trung tâm Y tế Trường Sa, bệnh nhân được bệnh xá ở đảo lân cận xử trí cấp cứu ban đầu. Khi đón người bệnh, toàn bộ ê kíp cấp cứu của Bệnh xá đảo Trường Sa nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm cấp cứu, chụp X-quang, siêu âm và xác định viêm ruột thừa cấp. Nhờ xác định tính chất bệnh nguy hiểm nhanh chóng, bác sĩ Thọ triển khai hệ thống Telemedicine để hội chẩn từ xa với các chuyên gia của Bệnh viện Quân y 175 và quyết định phẫu thuật tại đảo, không đưa vào bờ, để tận dụng “cơ hội vàng” cứu bệnh nhân. Ca bệnh phẫu thuật thành công, người bệnh xuất viện sau đó vài ngày và tiếp tục công việc thường nhật.
Trong Nghị quyết 09-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định, huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước, là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với tầm quan trọng đó, Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân (đơn vị được giao nhiệm vụ làm công tác bảo vệ huyện Trường Sa), những năm qua đều triển khai và đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ quân y trên huyện đảo. Tất cả các điểm đóng quân của Lữ đoàn đều có lực lượng quân y, riêng các bệnh xá, trung tâm y tế có lực lượng y, bác sĩ từ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ.
Lực lượng quân y trên các đảo của Trường Sa luôn xác định, nhiệm vụ cứu, giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, mệnh lệnh từ trái tim, là trách nhiệm, niềm tự hào. Vượt những khó khăn, tuyến y tế biển góp phần đảm bảo sức khỏe cho quân, dân, thực sự là điểm tựa, niềm tin vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển ở ngư trường Trường Sa.
Bài 2: Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức