Tết Nguyên đán được tổ chức rộng rãi ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Nhật Bản (theo Dương lịch)... Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều có phong tục khác nhau. Sự khác biệt đáng kể nhất có lẽ là các món ăn. Dưới đây là một số món ăn truyền thống của các nước châu Á trong dịp Tết.
1. Khay mứt (Trung Quốc, Việt Nam)
Vào dịp Tết Nguyên đán bạn đến bất cứ nhà người thân hay bạn bè, bạn sẽ luôn thấy khay mứt. Khay mứt gồm có các hạt rang (thường là hạt dưa hấu hoặc hạt hướng dương), kẹo, thạch trái cây, mứt và trái cây khô. Đây là biểu tượng của sự thịnh vượng, may mắn và hạnh phúc và cũng được coi là đồ ăn nhẹ tiếp khách đến nhà chơi và thường được thưởng thức cùng với trà nóng.
2. Mì trường thọ (Trung Quốc, Nhật Bản)
Giống tên gọi, mì trường thọ của Trung Quốc tượng trưng cho mong muốn một cuộc sống lâu dài. Những sợi mì này được làm từ trứng và lúa mì. Điểm đặc biệt của món ăn là sợi mì không cắt ra nên rất dài có nghĩa tuổi thọ ngày càng tăng, khi ăn người ta cũng không cắn đứt sợi mì.
Mì trường thọ được chế biến với phần nước đặc biệt, có thể ăn kèm cùng thịt vịt quay, thịt xá xíu hoặc tôm sú, hoặc có thể ăn riêng. Thưởng thức mì trường thọ theo cách nào bạn cũng đều cảm nhận được vị ngon, rất đặc biệt.
3. Bánh chưng (Việt Nam)
Bánh chưng xanh là món không thể thiếu trên mâm cỗ Tết cổ truyền nhiều đời nay của người dân Việt. Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, hạt tiêu đen và một số gia vị khác. Bánh chưng được gói thành hình vuông, trong khi bánh tét của người miền Nam được gói dạng hình trụ. Bánh chưng và bánh tét thể hiện cho hạnh phúc và thịnh vượng.
Theo truyền thuyết Lang Liêu, bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất. Do đó, bánh chưng được bày biện trong mâm cỗ 3 ngày Tết để tỏ lòng biết ơn đến trời đất. Cũng theo truyền thuyết này, bánh chưng chính là tấm lòng Lang Liêu dâng lên vua cha nên bánh chưng còn thể hiện sự hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ. Cứ đến ngày 27-28 Tết, cả gia đình sẽ gói bánh chưng và quây quần bên bếp lửa đặt nồi bánh. Sau một năm vất vả cả nhà cùng ngồi trông nồi bánh chưng, đây thực sự là giây phút ấm lòng nhất trong những ngày cuối năm.
Để luộc bánh chưng phải mất rất nhiều công sức và thời gian, nhưng kết quả sau khi vớt bánh thì thật là tuyệt vời.
4. Thịt lợn và trứng kho (Việt Nam)
Món ăn này có tên là “thịt kho tàu”, là một trong những món ăn truyền thống phổ biến nhất trong dịp Tết Nguyên đán ở miền Nam Việt Nam. Món này được nấu kỹ với hương vị ngọt ngào của nước dừa và màu caramel cho đẹp. Món này được dùng cùng với cơm, rau và đôi khi là bánh tráng. Bữa ăn đầu tiên của Năm Mới không thể thiếu được món thịt lợn và trứng kho ngon tuyệt này trên bàn ăn của các gia đình.
5. Canh bánh gạo (Tteokguk) của Hàn Quốc
Người Hàn Quốc ăn canh Tteokguk vào ngày đầu năm như một nghi thức trang trọng để mừng bản thân bước qua một tuổi mới với sức khỏe tốt và cuộc sống lâu dài. Các nguyên liệu nấu bánh gạo Hàn Quốc Tteokguk gồm có bánh gạo trắng dạng thỏi được thái vát chéo, thịt lợn hoặc nước dùng gà, đậu hũ, trứng thái chỉ, rong biển, … Tteokguk là một món canh nhất định phải có trong buổi sáng ngày đầu tiên Năm Mới của người Hàn Quốc.
6. Gỏi cá Yusheng (Singapore)
Gỏi cá Yusheng là món ăn mang đậm phong cách của Trung Hoa vùng Triều Châu nhưng lại là món ăn đặc trưng trong dịp lễ Tết của người dân Singapore. Gỏi cá Yusheng gồm có: cá hồi sống thái lát thật mỏng (có thể thay thế cá hồi bằng cá thu), các loại rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng, lạc rang, vừng, bột chiên nước sốt từ quả mận. Khi món dọn ra sẽ được xới tung tất cả lên càng cao càng tốt nhưng không được làm rơi ra ngoài và hô “lohei” có nghĩa là “trộn đều” hay “thịnh vượng” rồi trộn tiếp với sốt trước khi thưởng thức.
7. Bánh Tikoy (Philippines)
Trong ngày Tết, món ăn không thể thiếu của người Philippines là bánh Tikoy. Bánh được làm từ gạo nếp trộn mỡ lợn, đường, nước, nhúng vào trứng gà rồi chiên. Món ăn này mang ý nghĩa gắn bó tình cảm gia đình. Tất cả thành viên trong nhà cùng ngồi ăn bánh trong ngày mùng 1 để cầu mong cả năm gia đình luôn đầm ấm, đoàn kết, hạnh phúc.