Các nghệ nhân đến từ các buôn, làng trổ tài tạc tượng gỗ tại hội thi. |
Hội thi này là một trong những hoạt động nằm trong chương trình Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuật, Liên hoan văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 tại Đắk Lắk. Tham gia gồm 70 các nghệ nhân đến từ các buôn, làng của các tỉnh: Khánh Hòa, Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đắk Lắk.
Nghệ nhân đoàn tỉnh Gia Lai trổ tài tạc bức tượng "Giã gạo". |
Nghệ nhân Đinh PLy, 40 tuổi ở xã Tơ Tung, huyện Kbang (Gia Lai) say sưa tạc bức tượng “Giã gạo”. Anh PLy cho hay: “Từ nhỏ, tôi đã học nghề tạc tượng gỗ từ các người già trong làng và 19 tuổi thành thạo nghề. Bức tượng Giã gạo phải mất 4 ngày mới hoàn thiện xong. Đến với hội thi, nghệ nhân chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi và học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm về nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian, khắc họa chân dung, mô tả những nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên trong lao động sản xuất, sinh hoạt cộng đồng”.
Nghệ nhân PLy say sưa hoàn thành tác phẩm "Kết hôn". |
Anh PLy trổ tài tại hội thi 3 tác phẩm: Giã gạo, Kết hôn, Múa trống. Các bức tượng mang ý nghĩa giã gạo để chuẩn bị lương thực cho lễ kết hôn, thực hiện xong phần lễ thì dân làng cùng nhau đánh trống vui hội. Anh Đinh PLy chia sẻ: “Ý nghĩa của tạc tượng gỗ của các dân tộc Tây Nguyên đều giống nhau, nhưng hồn của tác phẩm phụ thuộc vào bàn tay khéo léo và trí sáng tạo tài hoa của người nghệ nhân”.
Nghệ nhân YAn BJa, 26 tuổi thuộc đoàn tỉnh Đắk Nông, đã mang đến hội thi tác phẩm độc đáo “Gấu trúc bẻ măng”. Anh Yan BJa cho biết: “Tôi không tạc tượng người mà tạc con thú, thể hiện con người và động vật luôn sinh hòa, gần gũi và thân thiện với nhau. Tôi rất vui được tham gia hội thi để học hỏi và có thêm động lực yêu nghề, làm nghề tạc tượng gỗ”.
Mỗi tác phẩm là mồ hôi, công sức và trí tuệ của người nghệ nhân làm ra nó. |
Theo Nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân, thành viên Ban Tổ chức hội thi, trong tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, tạc tượng gỗ dân gian là một nghệ thuật tạo hình mang sắc thái riêng và độc đáo, được các nghệ nhân thể hiện trong những kiến trúc nhà rông, nhà dài và hình ảnh đời sống lao động, vật dụng gia đình, muôn thú... Pho tượng gỗ với nhiều hình thù, cổ kính, rắn rỏi, hiên ngang trong không gian nhà mồ, đã trở thành biểu tượng đẹp của người dân Tây Nguyên. Tạc tượng gỗ dân gian không chỉ biểu hiện tín ngưỡng “vạn vật hữu linh” thiêng liêng, mà còn phản ánh một trong những nghề thủ công lâu đời và độc đáo của tộc người cao nguyên đầy nắng gió. Ngày nay, bên cạnh việc coi tượng gỗ như một biểu tượng tâm linh, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên còn dùng tượng gỗ để trưng bày, trang trí.
Các nghệ nhân cố gắng để hoàn thành tác phẩm dự thi. |
“Hội thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên 2017 là dịp để tuyên truyền, quảng bá sâu rộng và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là mở ra hướng khai thác giá trị kinh tế của nghề truyền thống này”, nghệ sĩ ưu tú Vũ Lân khẳng định.
Khán giả được chiêm ngưỡng những bức tượng sống động. |
Du khách đến với hội thi được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo, say đắm lòng người. Các nghệ nhân phấn khởi vì đã đổ mồ hôi, công sức để hoàn thành xong tác phẩm, hy vọng sẽ đạt giải cao của hội thi năm nay.